Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng Ngài Ousmane Dione đảm nhận cương vị mới, đánh giá cao vai trò quan trọng của Ngân hàng Thế giới đối với Việt Nam và mối quan đối tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới ngày càng được củng cố và tăng cường.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi tiếp Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Ngài Ousmane Dione. Ảnh: TTXVN |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, để mối quan hệ đạt được như hiện nay, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam là người đặc biệt quan trọng, là cầu nối giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. Chủ tịch nước mong rằng, trong thời gian tới, Ngài Ousmane Dione sẽ kế thừa và phát huy thành quả của người tiền nhiệm, để đưa mối quan hệ giữa hai bên tiếp tục được phát triển.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đối với Việt Nam trong thời gian qua, như xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035 phù hợp với nhận định, định hướng, mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XII của Việt Nam đã đề ra.
Ngài Ousmane Dione nhấn mạnh, Ngân hàng Thế giới rất vinh hạnh được đồng hành, đóng góp vào những thành công của Việt Nam trong thời gian qua. Ngân hàng Thế giới cam kết bảo đảm mối quan hệ hợp tác với Việt Nam tiếp tục được tăng cường, đạt thêm nhiều thành công trong quá trình hợp tác tới đây. Thành công của Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng đối với Ngân hàng Thế giới vì Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận như là một mô hình thành công trong quá trình phát triển.
Ngài Ousmane Dione cho biết, một trong những nhiệm vụ đầu tiên trên cương vị mới là việc phối hợp với Việt Nam trong việc xây dựng Khuôn khổ Đối tác quốc gia Việt Nam - Ngân hàng Thế giới, tạo khung chiến lược hợp tác trong giai đoạn 2017 - 2020. Ngài Ousmane Dione cam kết, Ngân hàng Thế giới sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam để bảo đảm khung chiến lược này nhất quán với kế hoạch phát triển của Việt Nam, phản ánh được những ưu tiên quan trọng của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm tới.
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ, trong Khuôn khổ Đối tác quốc gia Việt Nam - Ngân hàng Thế giới có 4 trụ cột quan trọng mà Ngân hàng Thế giới cần có ý kiến tham vấn để xác định rõ. Đó là, tăng trưởng vì mọi người dân, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân; xác định đầu tư nhiều hơn nữa vào con người, vào nâng cao tri thức; bảo đảm tính bền vững về môi trường; quản trị nhà nước.
Đánh giá cao những định hướng hợp tác của Ngân hàng Thế giới trong thời gian tới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Ngài Ousmane Dione phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng tài liệu Khuôn khổ Đối tác Quốc gia Việt Nam - Ngân hàng Thế giới cho giai đoạn mới. Chủ tịch nước nhấn mạnh một số trọng tâm ưu tiên của Việt Nam cần được xem xét, đó là tăng cường ổn định vĩ mô; tái cơ cấu nền kinh tế trong 3 lĩnh vực chính là cải cách đầu tư công, cải cách ngân hàng, cải cách doanh nghiệp nhà nước; cải cách tài khóa, tăng cường quản lý nợ công an toàn, bền vững; phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ; ứng phó với biến đổi khí hậu… Chủ tịch nước cho biết, hiện nay nợ công của Việt Nam đang ở mức cao, vì vậy việc đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn vay là rất quan trọng. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị Ngân hàng Thế giới phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ để đảm bảo xây dựng được những chương trình, dự án đáp ứng nhất với nhu cầu cấp thiết và mang lại giá trị gia tăng cao.
Đối với một số chương trình, dự án chưa hoàn tất thủ tục ký và phê chuẩn trong tài khóa 2016 mà Ngân hàng Thế giới quan tâm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, là người có thẩm quyền quyết định đàm phán, ký và phê chuẩn các hiệp định vay với Ngân hàng Thế giới, Chủ tịch nước đang chỉ đạo các cơ quan chức năng của Việt Nam có biện pháp cần thiết để thực hiện. Chủ tịch nước cho rằng, mặc dù thời gian gấp nhưng các bên cần đặt chất lượng xây dựng dự án lên hàng đầu, đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy trình thủ tục phê duyệt trong nước để đảm chất lượng và hiệu quả đầu tư sau này. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng hiệu quả sử dụng vốn vay của cộng đồng quốc tế nói chung, Ngân hàng Thế giới nói riêng, và luôn có các biện pháp nhằm tăng cường giám sát và quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn vốn này.