Nhiều ý kiến khác nhau về hình thức tố cáo, tố cáo nặc danhTrình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, dự thảo Luật hiện còn có 4 vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, về hình thức tố cáo, hiện có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo, dự thảo Luật chỉ quy định hai hình thức tố cáo (như quy định của Luật tố cáo năm 2011) là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.
Đối với tố giác, tin báo tội phạm, tố cáo trong hoạt động tố tụng thì đã có quy định về các hình thức tố cáo khác được điều chỉnh ở các luật tố tụng.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, ngoài hai hình thức tố cáo trên, dự thảo Luật cần quy định bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo bằng bản fax, email, điện thoại…để tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện quyền tố cáo, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tại Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Về tố cáo nặc danh, tờ trình Chính phủ cũng cho thấy có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng quy định của Đảng và Luật tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ, họ tên địa người tố cáo. Trong những năm qua, các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai.
Vì vậy, nếu Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo.
Loại ý kiến thứ hai cho thấy, thực tế không ít trường hợp người tố cáo còn bị trả thù, bị trù dập, trong khi đó mặc dù có quy định nhưng việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn. Do đó, nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm, cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình. Chính phủ cho rằng loại ý kiến thứ nhất là phù hợp nên trong dự thảo Luật chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh.
Lãnh đạo có đơn tố cáo nặc danh thì phải xem lại mình
Thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc sử dụng fax, hộp thư điện tử hay điện thoại tố cáo thì nhiều. “Không biết các đồng chí trong Ủy ban thường vụ Quốc hội thế nào, nhưng thực tế, gần như ngày nào cũng nhận được tin của người tố cáo, ngay cả các đồng chí cấp cao, các đồng chí Ủy viên bộ Chính trị. Nhắn tin tố cáo có, nhưng còn có cả những lời lẽ không hay. Vì vậy thống nhất với với quan điểm Chính phủ, chỉ có hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp”, Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết.
Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu phát biểu ý kiến. |
Chủ nhiệm Ủy ban An ninh và Quốc phòng Võ Trọng Việt cũng cho đề xuất: “Trong tình hình đất nước hiện nay nếu giải quyết cả đơn thư nặc danh thì loạn đất nước. Theo tôi, chỉ giải quyết đơn thư chính thống. Trách nhiệm của cán bộ Đảng viên trong tố cáo ở đâu? Có nói ý kiến cho rằng, trong trường hợp nguy hiểm, trường hợp đặc biệt nếu tố cáo nặc danh mà có chứng cứ, có dấu hiệu thì mình làm, thì sau này sẽ tạo kẽ hở cho những người đi giải quyết khiếu nại, tố cáo làm bậy”.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, trong điều kiện xã hội hiện nay không phải ai cũng mạnh dạn đứng ra tố cáo hành vi vi phạm, nhất là tố cáo hành vi vi phạm của cấp trên. “Vụ việc mới đây tại một trường phổ thông, tất cả các giáo viên đều không dám nói khác cô hiệu trưởng chứ chưa nói đến tố cáo. Vì thế nếu không giải quyết đơn thư nặc danh thì e rằng sẽ bỏ sót, tất nhiên trong quản lý nhà nước thì không phải cái gì cũng xử lý”, ông Phan Thanh Bình bày tỏ.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Luật phòng, chống tham nhũng quy định cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện để công dân tố cáo trực tiếp, qua điện thoại, hay qua các phương tiện thông tin điện tử. Chúng ta cũng đang hướng tới xây dựng một Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành quản lý nhà nước. Nếu luật này không mở ra hình thức khác để người dân sử dụng thì cũng chưa đồng bộ với Luật phòng, chống tham nhũng.Tất nhiên, cũng không thể để xảy ra tình trạng lộn xộn, nhắn tin liên tục theo kiểu “khủng bố tinh thần”.
“Vì vậy, vấn đề này cần nghiên cứu xem xét thêm, chẳng hạn có quy định cụ thể người tố cáo có thể thể gửi email, tin nhắn... nhưng phải gửi đúng cơ quan, đúng địa chỉ người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo vì nếu không thì mâu thuẫn với Luật phòng, chống tham nhũng. Đơn nặc danh mà có nội dung địa chỉ cụ thể, sự việc đó ở chỗ đó thì phải xem xét, kiểm tra để tăng cường quản lý lãnh đạo, thậm chí kiểm tra thường xuyên. Khi có đơn tố cáo thì bản thân lãnh đạo cũng phải xem xét lại mình. Đơn nặc danh mà vứt vào sọt rác là chưa làm hết trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.