Hội thảo do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam đồng chủ trì.
Đại diện một số cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; đại diện các bộ, ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Hội đồng Lý luận trung ương, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các trường đại học, các viện nghiên cứu, một số doanh nghiệp… tham dự Hội thảo.
Tại Hội thảo, các ý kiến tham luận và trao đổi đã đề cập đến hai nhóm nội dung lớn theo đúng tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra trong đó: Những vấn đề chung, cơ chế, chính sách về tài chính đất đai, giá đất, hoàn thiện cơ chế định giá đất, cơ chế đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; chế độ quản lý và sử dụng đất đai và một số nội dung, chính sách khác như: hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư trong hoạch định và thực hiện các chính sách tài chính về đất đất đai; về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về đất đai; giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất...
Hội thảo được tổ chức nhằm huy động, phát huy vai trò, trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người có kinh nghiệm thực tiễn trên nhiều lĩnh vực tham gia vào việc góp ý kiến, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Hội thảo tập trung thảo luận, tham gia ý kiến nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc sửa đổi Luật Đất đai; bảo đảm thể chế hóa đúng đắn quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và quy định của Hiến pháp 2013 liên quan đến lĩnh vực đất đai, làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013.
Theo đó, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần gắn với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, bảo đảm tiết kiệm, bền vững, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu;… Các nội dung cần tập trung thảo luận: hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một dự án Luật lớn, có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, có tác động sâu sắc tới nhiều mặt của đời sống kinh tế -xã hội của đất nước. Theo dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (vào tháng 10/2022) và theo quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội. ( Sau khi cho ý kiến lần đầu, Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023, thảo luận lần thứ 3 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào tháng 10/2023).
Theo dự kiến, sau khi Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Kết quả Hội thảo sẽ được cơ quan Thường trực của Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu, tham khảo, góp phần phục vụ việc Quốc hội xem xét, thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong thời gian tới.