Tại cuộc gặp, các đại biểu cho rằng, đội ngũ trí thức nói chung, trí thức khoa học, công nghệ nói riêng dù ở bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử cũng ý thức được trách nhiệm của mình với Tổ quốc. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam ý thức được trách nhiệm của mình với tương lai của đất nước, đã và đang tích cực cống hiến, đóng góp vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thực hiện vai trò phản biện xã hội...
Theo các đại biểu, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, Việt Nam vẫn còn có khoảng cách khá xa, nên cần phải chớp thời cơ, đi tắt, đón đầu; đồng thời mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho đội ngũ khoa học; đề nghị Quốc hội ban hành các văn bản pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của Liên hiệp bởi đây là việc làm cần thiết, quan trọng để các trí thức đóng góp cho đất nước.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, 112 trí thức tiêu biểu năm nay và các trí thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nói chung là nhân tố quan trọng cho sự nghiệp phát triển của đất nước.
Với quan điểm khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, Đảng và Nhà nước đánh giá cao vai trò của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học trong việc đóng góp vào quá trình phát triển; nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển khoa học, công nghệ và xây dựng đội ngũ trí thức đã được ban hành. Vì thế, phát triển khoa học, công nghệ trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, nâng cao sức mạnh của quốc gia.
Trong nhiều năm qua, các nhà trí thức, khoa học, cũng như các ngành khoa học đã có sự đóng góp rất quan trọng trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước; vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức không ngừng được củng cố, nâng cao, tăng cả về số lượng và chất lượng. Đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị, mang tính ứng dụng cao, được áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống.
Những đóng góp ấy đã góp phần thay đổi bộ mặt của đất nước, trong lĩnh vực nông nghiệp làm thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện lao động, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời góp phần cung cấp các luận cứ khoa học, đóng góp tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, với những đóng góp trên, nhiều nhà trí thức, nhà khoa học đã vinh dự được trao tặng các danh hiệu cao quý của Nhà nước, như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Giải thưởng Nhà nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Có những nhà khoa học được phong anh hùng lao động, được vinh danh tại các diễn đàn trong nước và quốc tế. Sự phát triển và những thành tựu của đất nước đạt được trong 30 năm đổi mới có sự đóng góp quan trọng của các nhà trí thức khoa học, công nghệ trên cả nước.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã phát huy vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đoàn kết, tập hợp, quy tụ các nhà trí thức, nhà khoa học với nhiều hình thức, cách làm hay nhằm phát huy tiềm năng trí tuệ sáng tạo của đội ngũ trí thức, từ đó, thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa đất nước hội nhập và phát triển cùng thế giới.
Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt biểu dương những thành tích của các nhà trí thức trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ trí thức, của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời gian qua; mong rằng các nhà trí thức, nhà khoa học tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, tập hợp và tạo điều kiện nhiều hơn nữa đóng góp tích cực và hiệu quả hơn nữa cho nền khoa học, công nghệ nước nhà.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn đối với nước ta, với mong muốn khoa học, công nghệ đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình phát triển, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các nhà trí thức khoa học, công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ trí thức và phát triển khoa học, công nghệ, đặc biệt là Kết luận số 52 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tập hợp, động viên và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ.
Chủ tịch Quốc hội mong các nhà trí thức, nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo, bám sát thực tiễn sản xuất, đời sống, nhu cầu của nền kinh tế thị trường để có nhiều hơn nữa những công trình nghiên cứu phù hợp, mang tính ứng dụng cao đi vào cuộc sống; đặc biệt là góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa, khẳng định thương hiệu của hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tiếp tục bám sát các mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để định hướng hoạt động phát triển khoa học, công nghệ; đồng thời tích cực tiếp thu, cập nhật những kiến thức mới của khoa học, công nghệ trên thế giới để ứng dụng vào Việt Nam, tạo điều kiện để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà.
Liên hiệp cũng cần đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, tổ chức các phong trào thi đua nghiên cứu khoa học, công nghệ sáng tạo, nâng cao chất lượng các diễn đàn trí thức, tăng cường hoạt động tư vấn, phản biện, giám định các chính sách, chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội và đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ, chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động, thúc đẩy cơ chế phối hợp, liên kết chặt chẽ của các hội thành viên.
Các cấp, các ngành tạo điều kiện và khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất; nghiên cứu có chế độ đãi ngộ tương xứng để các nhà trí thức, nhà khoa học yên tâm cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý, cũng như bố trí nguồn lực tài chính để đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, việc đầu tư cho khoa học, công nghệ còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong thời gian tới, Quốc hội sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là những quy định pháp luật liên quan đến khoa học, công nghệ nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời Quốc hội luôn lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học nói chung để nâng cao chất lượng từng dự án luật...