Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, việc lấy ngày 9/11 là Ngày Pháp luật Việt Nam với mục đích nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng và bảo vệ pháp luật, đồng thời khuyến khích ngày càng nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Đây là ngày của toàn dân. Đặc biêt, đối với những người làm công tác lập pháp trong Quốc hội - cơ quan lập pháp - thì lại càng có ý nghĩa hơn.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, từ cuối nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, các đại biểu Quốc hội chuyên trách, cán bộ, công chức khối các cơ quan pháp luật - tư pháp, nghiên cứu lập pháp đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn; trong đó đã tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội sớm ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời giúp Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị xem xét.
"Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Quốc hội Việt Nam, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về định hướng chương trình xây dựng pháp luật của cả nhiệm kỳ với 137 nhiệm vụ lập pháp", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đội ngũ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cán bộ, công chức khối các cơ quan pháp luật - tư pháp, nghiên cứu lập pháp tại Quốc hội đã và đang giúp Đảng đoàn Quốc hội xây dựng 4 chuyên đề rất quan trọng thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Hiện nay, chuyên đề “Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã hoàn thiện và được Đảng đoàn Quốc hội gửi tới Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai, xây dựng Đề án.
Ngày 3/11, Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội đã nghiệm thu chuyên đề “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Hai chuyên đề còn lại là “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đang tiếp tục được triển khai theo đúng tiến độ.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Đảng đoàn Quốc hội là cơ quan tổ chức nghiên cứu nghiêm túc nhất, chất lượng nhất, hoàn thành sớm nhất tiến độ và bảo đảm chất lượng của các chuyên đề.
Ngoài ra, Quốc hội khóa XV cũng đang tiến hành Kỳ họp thứ hai và là kỳ họp đầu tiên trong nhiệm kỳ có hoạt động xây dựng pháp luật. Cả 7 dự án luật trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp này đều nhận được sự đánh giá rất cao của cử tri và các đại biểu Quốc hội.
Thay mặt Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương thành tích mà đội ngũ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cán bộ, công chức khối các cơ quan pháp luật - tư pháp, nghiên cứu lập pháp tại Quốc hội đã đạt được thời gian qua.
Chỉ rõ nhiệm vụ xây dựng pháp luật rất quan trọng, nhất là Quốc hội đã thể hiện quyết tâm đổi mới để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đã là cán bộ làm công tác pháp luật thì hơn ai hết phải là những người làm việc rất chuyên nghiệp và bản lĩnh.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện, dù làm công việc gì, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cán bộ, công chức khối các cơ quan pháp luật - tư pháp, nghiên cứu lập pháp tại Quốc hội cũng phải quán triệt các cơ sở chính trị rất quan trọng của Nhà nước ta trong công tác xây dựng pháp luật và bảo vệ pháp luật.
"Hơn ai hết, cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật phải có bản lĩnh, dám nói thẳng. Luật pháp chỉ có đúng, sai chứ không có khái niệm ở giữa. Những người hoạt động trong công tác lập pháp phải lắng nghe cơ quan trình dự thảo luật, lắng nghe các chuyên gia, lắng nghe lẫn nhau để công tác xây dựng pháp luật đảm bảo tính minh bạch, công khai, có tính ổn định, tuổi thọ lâu dài. Đặc biệt không để xảy ra hiện tượng cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ vào quá trình xây dựng pháp luật, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo, phát triển đất nước bền vững và yêu cầu hội nhập thế giới. Đó là yêu cầu rất cao mà nhân dân và cử tri đặt ra đối với những người làm luật", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.