Cùng dự cuộc làm việc có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, trên cơ sở quan điểm phát triển, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, định hướng của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực tiễn cuộc sống, Ủy ban xác định nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới là: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế và đặc thù tiềm ẩn rủi ro, mạo hiểm, đặc biệt là các chế định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, cơ chế đầu tư, tài chính cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…; hoàn thiện hệ thống pháp luật về thúc đẩy phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp là trung tâm, trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu…
Về phương thức hoạt động, Thường trực Ủy ban kiến nghị: Cần nghiên cứu để tổ chức vận hành hợp lý Quốc hội điện tử gắn với việc phân chia thành 2 đợt họp trong một kỳ họp; quy định cụ thể hơn về hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đồng thời tăng cường, nâng cao chất lượng tổ chức các hội nghị này, nhất là đối với những vấn đề có tính chất phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau; nghiên cứu ban hành khung quy chế về hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban để áp dụng thống nhất; có cơ chế cho phép Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ động thí điểm chuyển đổi số đối với một số hoạt động của Ủy ban trong Đề án Quốc hội điện tử…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay, Đảng đoàn Quốc hội đang triển khai xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV cũng đã thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, trong đó xác định 8 nhóm nội dung trọng tâm mà Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Thành tựu Quốc hội đã đạt được trong 75 năm qua và nhất là trong nhiệm kỳ khóa XIV là rất lớn. Tuy nhiên, qua các cuộc làm việc với Thường trực các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vẫn còn dư địa để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội như: Tiếp tục cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp, nâng cao chất lượng tổng hợp các phiên thảo luận tại tổ để tập trung thảo luận, tranh luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Về công tác lập pháp, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần chủ động hơn, phát huy vai trò dẫn dắt, tăng cường sáng kiến lập pháp, có cơ chế hỗ trợ tối đa để các đại biểu, các cơ quan của Quốc hội thực hiện được sáng kiến lập pháp; khắc phục tình trạng bị động, chờ đợi các cơ quan trình vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ phá vỡ sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc Quốc hội quyết định chương trình lập pháp hằng năm không mâu thuẫn gì với việc có định hướng, chiến lược xây dựng pháp luật trong trung hạn và dài hạn (5-10 năm) để trên cơ sở đó xác định các ưu tiên lập pháp trong từng năm.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề xuất của Ủy ban về lựa chọn các chuyên đề giám sát phù hợp, có trọng tâm, khả thi, có chiều sâu, tránh dàn trải, chồng chéo; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội...; tăng cường giám sát văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật; tăng cường các hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban; tăng cường hậu giám sát, tập trung giám sát thông báo kết luận của đoàn giám sát đã triển khai trước đó...
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và cơ bản tán thành các đề xuất của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội cũng như của Ủy ban. Trong đó, việc Ủy ban đề nghị được chủ động thí điểm chuyển đổi số trong một số hoạt động là rất tốt. Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã nêu mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, qua việc thí điểm chuyển đổi số, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tư vấn, tham mưu cho Quốc hội trong việc xây dựng Quốc hội điện tử. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị trong kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có thể xây dựng một số báo cáo chuyên đề về chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…, từ đó cung cấp thông tin, góp phần tăng cường năng lực cho đại biểu Quốc hội về các lĩnh vực này.