Dự buổi lễ có Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc Trần Văn Túy; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh; Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Lâm Thị Phương Thanh; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam; Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tú.
Về phía Hàn Quốc có Giáo sư Ahn Kyong Hwan, Chủ tịch Hội nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc, Phó Chủ tịch Hội Giao lưu văn hóa Hàn-Việt KVA tại Gwangju, cố vấn Hội Giao lưu văn hóa Hàn-Việt KOVECA tại Seoul; Chủ tịch Hội Hữu nghị Hàn Quốc-Việt Nam Choi Young Joo; Chủ tịch Hội Kinh tế văn hóa Hàn-Việt Kwak Young Gil; Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Hyon.
Phát biểu tại lễ trao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo mục đích chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam là thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp trong 26 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cùng với quan hệ chính trị, các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, đào tạo, văn hóa… cũng đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Trong thành công đó có sự đóng góp rất lớn của các nhân sĩ, trí thức và các tổ chức hữu nghị và cá nhân Giáo sư Ahn Kyong Hwan.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Nhà nước và nhân dân Việt Nam đánh giá cao Giáo sư Ahn Kyong Hwan về những đóng góp lớn trong việc dịch thuật những cuốn sách của Việt Nam sang tiếng Hàn Quốc, trong đó có “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Những ngày tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp… để giới thiệu tới đông đảo người dân Hàn Quốc, giúp độc giả Hàn Quốc hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đóng góp của các Anh hùng liệt sĩ Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc; về nền văn hóa, văn chương của Việt Nam... Giáo sư Ahn Kyong Hwan đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức các cuộc hội thảo, triển lãm về văn hóa Việt Nam, về Biển Đông…
Mặc dù Hội nghiên cứu Việt Nam học còn nhiều khó khăn nhưng Giáo sư Ahn Kyong Hwan rất tích cực thúc đẩy các hoạt động của hội. Việc trao Huân chương Hữu nghị tặng Giáo sư Ahn Kyong Hwan thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của Nhà nước Việt Nam về những đóng góp tích cực của Giáo sư trong phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và Hàn Quốc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng cảm ơn và mong Giáo sư Ahn Kyong Hwan sẽ tiếp tục những công việc đang làm để thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước, có những đóng góp mới trong quá trình nghiên cứu về Việt Nam học.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ cảm ơn Hội Kinh tế văn hóa Hàn-Việt, cá nhân Chủ tịch Hội Kinh tế văn hóa Hàn-Việt Kwak Young Gil nhiều năm nay đã hỗ trợ Đại sứ quán Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc. Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội mong Hội Kinh tế văn hóa Hàn-Việt tiếp tục hỗ trợ các chương trình dành cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, tiếp tục hỗ trợ Hội nghiên cứu Việt Nam học có những hoạt động thiết thực tại Hàn Quốc và Việt Nam.
Nhấn mạnh rằng bên cạnh ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Nghị viện, đối ngoại Đảng, ngoại giao nhân dân là kênh rất quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Đảng, Nhà nước Việt Nam rất quan tâm thúc đẩy công tác đối ngoại nhân dân. Vì thế, trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc lần này, bên cạnh các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc, hoạt động tại địa phương, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam còn có những hoạt động góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân Việt Nam-Hàn Quốc.
Về phần mình, Giáo sư Ahn Kyong Hwan cho biết ông đã có 44 năm gắn bó với Việt Nam, đã dịch hầu hết tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam sang tiếng Hàn Quốc. Cuốn sách đầu tiên được Giáo sư Ahn Kyong Hwan dịch sáng tiếng Hàn là “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc dịch cuốn sách này đã giúp Giáo sư hiểu hơn về tinh thần yêu nước, thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giáo sư Ahn Kyong Hwan khẳng định “Tinh thần đó giờ vẫn còn thấm đẫm trong tâm hồn tôi".
Giáo sư chia sẻ vào năm 2005, Chủ tịch nước khi đó Trần Đức Lương sang thăm Busan (Bu-xan), phía Hàn Quốc đã xây “khu quảng trường Việt Nam”. Khu quảng trường nằm ở trung tâm thành phố Busan, thể hiện tình cảm của người dân Busan dành cho Việt Nam. Theo Giáo sư Ahn, không chỉ có quảng trường Việt Nam tại trung tâm thành phố Busan, trong trái tim của mỗi người dân Hàn Quốc cũng đều có “quảng trường” dành cho Việt Nam.
Giáo sư Ahn Kyong Hwan bày tỏ xúc động khi nhận Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam. Ông cho biết sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để vun đắp quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước; đồng thời bày tỏ tin tưởng quan hệ kinh tế, văn hóa, giáo dục… giữa Hàn Quốc và Việt Nam sẽ phát triển ngày càng tốt đẹp.