Chiều 23/5, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-Moon sau khi Ngài TTK dự và phát biểu trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon sang thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN |
Tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhiệt liệt chào mừng Ngài TTK đến thăm và làm việc tại Việt Nam đúng vào thời điểm Quốc hội Việt Nam đang họp Kỳ thứ 9 và đặc biệt là sau thành công của Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 vừa qua.
Đánh giá cao bài phát biểu của Ngài TTK tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trân trọng cảm ơn những tình cảm và sự đánh giá tốt đẹp của Ngài Ban Ki-moon đối với kết quả phát triển kinh tế xã hội, việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon sang thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN |
Trân trọng cảm ơn tinh thần đoàn kết hợp tác giữa LHQ và Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Việt Nam luôn chủ động tham gia vào các diễn đàn và các hoạt động của LHQ với mong muốn xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng thông báo tới ngài TTK về việc Việt Nam vừa thông qua bản Hiến pháp mới với những nội dung quan trọng về việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân, định hướng xây dựng và củng cố mô hình Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước nhất là giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Ngài TTK LHQ luôn ủng hộ Việt Nam thực thi công cuộc xây dựng, phát triển đất nước vì mục tiêu xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng.
Cảm ơn sự tiếp đón nồng hậu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Quốc hội Việt Nam, TTK Ban Ki-moon bày tỏ ngưỡng mộ đối với những biến chuyển mạnh mẽ của đất nước và con người Việt Nam; đồng thời tin tưởng Việt Nam sẽ còn đạt được những thành mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
TTK LHQ trân trọng cảm ơn sự đóng góp của Việt Nam nói chung và Quốc hội việt Nam nói riêng trong việc thiết lập những giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngài TTK khẳng định, LHQ sẽ cùng đồng hành với Việt nam trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ cũng như những cam kết mạnh mẽ trong Tuyên bố Hà Nội vừa được thông qua tại Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới IPU lần thứ 132.
* Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon dự và phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon tới dự và phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN |
Trước đó cùng ngày, trong chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII thảo luận về các dự án Luật tạm giữ, tạm giam và dự thảo Luật thú y. Đặc biệt, cũng tại buổi làm việc chiều nay, Quốc hội vinh dự đón TTK LHQ Ban Ki-moon tới thăm và nói chuyện.
Phát biểu trước phiên họp toàn thể của Quốc hội Việt Nam, TTK LHQ Ban Ki-moon cho rằng đây là vinh dự lớn đối với ông. TTK Ban Ki-moon đánh giá cao vai trò của Quốc hội Việt Nam, đặc biệt là việc tổ chức thành công sự kiện Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 với nhiều nội dung quan trọng được bàn thảo, thông qua liên quan đến tiến trình phát triển toàn cầu.
Đánh giá cao thành tựu trong việc hoàn thành các mục tiêu Thiên niên kỷ của Việt Nam, Ngài TTK cho rằng Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc hoàn thành các mục tiêu này, do đó, chắc chắn, với nhiều kinh nghiệm phát triển, người dân tài năng, chắc chắn Việt Nam cũng sẽ là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Đề cập đến những nguy cơ hiện hữu đang đe dọa hòa bình, an ninh toàn cầu, những vấn đề nhân đạo mà thế giới đang phải đối mặt, TTK Ban Ki-moon khẳng định để vượt qua thử thách này, cần có sự đoàn kết trên toàn cầu, như một gia đình chung của nhân loại. Ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, Ngài TTK bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với LHQ trong hoạt động này.
Trước đó, Quốc hội đã nghe các báo cáo thẩm tra về Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam. Đây là một trong những dự án Luật mà quá trình xây dựng gắn liền với việc cụ thể hóa quyền con người trong Hiến pháp 2013. Thẩm tra dự án này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc ban hành Luật tạm giữ, tạm giam sẽ nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, nhất là tình trạng chết, bức cung, nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở Nhà tạm giữ, Trại tạm giam trong thời gian qua, đồng thời phúc đáp yêu cầu cải cách tư pháp trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị ban soạn thảo dự án luật lưu ý đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, bởi những người này chưa bị coi là có tội nên ngoài việc hạn chế một số quyền con người, quyền công dân như quyền tự do đi lại, cư trú, quyền bầu cử, ứng cử.... thì các quyền khác của họ phải được bảo đảm, như quyền được sống, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, chăm sóc y tế, quyền được tiếp cận thông tin, quyền được gặp luật sư, người bào chữa, người thân và một số quyền dân sự khác...
Cuối buổi làm việc chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thú y. Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến tán thành quy định về nhân viên thú y cấp xã như dự thảo Luật và đề nghị cần quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với thú y viên cấp xã. Thực tiễn cho thấy, lực lượng này có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn xã. việc có mạng lưới nhân viên thú y cấp xã để phát hiện và ngăn chặn sớm dịch bệnh trong chăn nuôi như đã triển khai thời gian vừa qua là rất quan trọng và cần thiết.
Quang Vũ (TTXVN)