Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu Nguyễn Văn Thảo cho biết quan hệ Việt Nam - EU đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Cách đây 5 tháng, EU đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam là một trong những đối tác nòng cốt trong ASEAN. Bỉ rất quan tâm hợp tác với Việt Nam và có thế mạnh về năng lượng tái tạo, cảng biển. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết Đại sứ quán và Phái đoàn thực hiện cả hai nhiệm vụ ngoại giao song phương và đa phương. Khối lượng công việc rất lớn nhưng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đoàn kết, gắn bó, đã có đóng góp vào việc đàm phán, ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), ký kết Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA)...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết chuyến thăm làm việc lần này là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của lãnh đạo Đảng và Nhà nước kể từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng và bầu Ban Lãnh đạo nhiệm kỳ mới.
Chia sẻ về kết quả các cuộc làm việc với lãnh đạo Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Quốc hội cho biết trên tinh thần hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, các nhà lãnh đạo hai bên đã có những trao đổi cởi mở, thẳng thắn, chân thành về những vấn đề hai bên cùng quan tâm, nhất là việc triển khai thực hiện EVFTA để bảo đảm thương mại cân bằng; sớm phê chuẩn EVIPA để từ đó EVFTA và EVIPA song hành với nhau, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của các nhà đầu tư, đồng thời phát huy tối đa tiềm năng cơ hội mà EVFTA mang lại cho Việt Nam, EU cũng như các nước thành viên EU. Các nhà lãnh đạo EU coi Việt Nam là đối tác hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, Phái đoàn Việt Nam tại EU trong thời gian tới cần hết sức quan tâm, góp phần cùng các cơ quan chức năng thúc đẩy Nghị viện các nước EU sớm phê chuẩn EVIPA. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao vaccine phòng COVID-19.
Đẩy mạnh công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài
Ngay sau đó, tại cuộc gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ, nhóm trí thức trẻ từ nhiều nước khu vực châu Âu, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ có khoảng 13.000 người hình thành từ những năm 1960, luôn gắn bó, đoàn kết, chấp hành tốt pháp luật sở tại, được chính quyền và người dân nơi đây đánh giá cao. Cộng đồng ở Bỉ có những người sở hữu doanh nghiệp nhỏ nhưng rất năng động, sáng tạo; bà con luôn có những hoạt động hướng về quê hương, đất nước, nhất là khi có thiên tai, bão lũ và gần đây nhất là tình hình dịch COVID-19, đã có những hoạt động ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 ở Việt Nam…
Tại cuộc gặp, ông Huỳnh Công Mỹ, Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, chị Minh Liên, kiều bào tại Bỉ, anh Phạm Sỹ Hiếu, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam - Bỉ, anh Việt Anh, đại diện trí thức trẻ người Việt tại châu Âu đã phát bày tỏ vui mừng về kết quả công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của đất nước; cho biết rất sẵn lòng đóng góp kinh nghiệm, trí tuệ… để xây dựng quê hương; đề xuất những nội dung liên quan đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Bà con cũng bày tỏ niềm tự hào khi thấy vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế; đồng thời tìm hiểu những điểm mới trong Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Ông Huỳnh Công Mỹ cho biết cộng đồng người Việt tại Bỉ hiện sinh sống ở thủ đô Brussels và 1 số vùng nói tiếng Hà Lan, tiếng Pháp của nước Bỉ. Ông mong muốn đất nước có thêm nhiều nguồn lực và sớm kiểm soát được dịch bệnh COVID-19.
Chị Minh Liên chia sẻ về việc kết nối để đưa nông sản Việt Nam tới các đầu mối tiêu thụ tại châu Âu trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, góp phần tiêu thụ vải, nhãn cho người dân trong nước. Nêu những vướng mắc phát sinh trong quá trình xuất khẩu hàng hóa, chị Minh Liên cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở trong nước cần cập nhật kiến thức về xuất nhập khẩu, nhất là những tiêu chuẩn của châu Âu hiện nay; về việc làm thế nào để giảm thiểu chi phí phát sinh, góp phần giảm giá thành, tạo được sự cạnh tranh của nông sản Việt Nam…
Bày tỏ vui mừng, xúc động khi nghe đại diện cộng đồng người Việt Nam chia sẻ về những tình cảm, sự gắn bó với quê hương, đất nước của bà con, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh mặc dù bà con cũng gặp khó khăn do tác động bởi dịch COVID-19 hai năm qua nhưng luôn hướng về đất nước bằng những việc làm thiết thực, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, sự sẻ chia với đồng bào trong nước những lúc khó khăn, đây là điều rất đáng quý và trân trọng.
Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ về thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế thời gian qua; kết quả chuyến tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Áo, các cuộc tiếp xúc song phương với các lãnh đạo nghị viện thế giới…
Trong không khí thân tình và ấm áp, Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ với bà con về những điểm mới trong Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Chủ tịch Quốc hội cho biết để tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả hơn Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Chính trị mới đây đã ban hành Kết luận 12.
Kết luận nhấn mạnh đến tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc một cách thực chất. Từ quan niệm “không định kiến với người đang còn có định kiến”, sẽ kiên trì vận động những kiều bào còn có định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc; tuyên truyền để bà con “trăm nghe không bằng một thấy”, bà con về nước tham gia các sinh hoạt cộng đồng, chứng kiến những thay đổi của đất nước.
Cùng với đó Kết luận cũng khẳng định sự tiếp tục coi trọng, quan tâm hỗ trợ và phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, phù hợp với pháp luật của nước sở tại và pháp luật Việt Nam; kịp thời tôn vinh, động viên, khích lệ người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi “không ai làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài bằng chính người Việt Nam ở nước ngoài”, từ đó sẽ phát huy sức mạnh nội tại của cộng đồng. Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng tạo điều kiện, phát hiện, nhân rộng, bồi dưỡng, tôn vinh những hạt nhân nòng cốt.
Kết luận nhấn mạnh đến việc hỗ trợ cho kiều bào có địa vị pháp lý vững chắc; ghi nhận và có những tính toán, nghiên cứu giải quyết nhu cầu chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài liên quan đến quốc tịch; tăng cường công tác bảo hộ công dân; về tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam nước ngoài có thể cống hiến tài năng, công sức cho việc đóng góp phát triển đất nước; về công tác dạy tiếng Việt, đổi mới sách giáo khoa, giáo viên và giải pháp hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện tốt hơn công tác dạy tiếng Việt cho con em; nghiên cứu xây dựng trung tâm văn hóa của người Việt tại những địa bàn trọng điểm để gìn giữ, phát huy văn hóa Việt. Chính phủ nghiên cứu lựa chọn Ngày tôn vinh tiếng Việt hằng năm để khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ học tập và giữ gìn tiếng Việt.
Kết luận cũng nêu sự quan tâm tới đối tượng quan trọng là thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài; sự đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại. Đó là việc thường xuyên cung cấp các thông tin về kinh tế, xã hội đất nước một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất, chân thực nhất…
Kết luận 12 nhấn mạnh đến việc triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài một cách toàn diện; tổ chức thực hiện Kết luận 12 của Bộ Chính trị đối với người Việt Nam ở nước ngoài được coi là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị.