Chủ tịch Đại học RMIT trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành thời gian đến thăm Đại học RMIT tại trụ sở chính nhân chuyến thăm chính thức Australia. Bày tỏ ấn tượng sâu sắc đối với phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về quan hệ Việt Nam - Australia và chính sách đối ngoại của Việt Nam tại Diễn đàn chính sách của Viện Nghiên cứu Australia - Việt Nam, một sáng kiến do Đại học RMIT khởi xướng, Giáo sư Alec Cameron cho biết hết sức vui mừng khi lãnh đạo hai nước đã công bố ý định nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn Đại học RMIT là nơi tổ chức Diễn đàn chính sách và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Australia nhân chuyến thăm chính thức Australia. Cho biết chuyến thăm lần này nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Australia trên các lĩnh vực, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác giáo dục với Australia, coi đây là lĩnh vực hợp tác quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực. Với trên 30.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Australia, hợp tác giáo dục - đào tạo là sợi dây văn hóa bền chặt giữa hai dân tộc, là nhịp cầu hữu nghị giữa người dân hai nước.
Đại học RMIT sở hữu danh tiếng quốc tế và là một trong những cơ sở giáo dục bậc cao đầu tiên tại Australia, đồng thời cũng là trường đại học quốc tế đầu tiên được Chính phủ Việt Nam cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Đến nay, đã có khoảng 17.000 sinh viên đã tốt nghiệp Đại học RMIT Việt Nam và trong 5 năm trở lại đây có gần 3.000 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp tại Melbourne. Theo Chủ tịch Quốc hội, những con số này đã cho thấy quy mô và tầm quan trọng của hợp tác giáo dục giữa RMIT với các trường đại học của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cho biết tại cuộc tiếp Bộ trưởng Bộ Giáo dục Australia đã nêu 3 vấn đề hợp tác giáo dục hai nước cần tập trung trong thời gian tới để đạt hiệu quả cao hơn là: quản trị đại học, khung chương trình đào tạo quốc gia và đổi mới, sáng tạo trong học sinh, sinh viên. Việt Nam hiện đang nỗ lực thúc đẩy thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Trong năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và năm 2019 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Lãnh đạo Đại học RMIT tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường; tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các trường đại học Việt Nam về quản trị đại học, nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm chuyển đổi số; hợp tác trao đổi giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên với các trường đại học của Việt Nam trong các lĩnh vực mà Đại học RMIT có thế mạnh như khoa học kỹ thuật, công nghệ, truyền thông, quản trị kinh doanh, thiết kế, thời trang và ngôn ngữ; hợp tác triển khai các chương trình liên kết đào tạo, nghiên cứu chung về giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn RMIT chia sẻ kinh nghiệm về bảo đảm chất lượng và xếp hạng cơ sở giáo dục, đây cũng là vấn đề Quốc hội và Chính phủ Việt Nam rất quan tâm.
Là cơ sở giáo dục đại học lớn nhất của Australia, Chủ tịch Đại học RMIT cam kết trường sẽ đóng góp nhiệt tình và hết lòng ủng hộ quan hệ Việt Nam - Australia, đặc biệt là phát triển giao lưu nhân dân hai nước. Bày tỏ niềm tự hào RMIT đã có 22 năm hoạt động tại Việt Nam, khẳng định cam kết đóng góp mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, Giáo sư Alec Cameron chia sẻ, trong kế hoạch năm 2023, Hội đồng trường Đại học RMIT đã phê duyệt khoản đầu tư đáng kể tăng gấp nhiều lần khoản đầu tư hiện tại vào trường Đại học RMIT Việt Nam.
Đây là khoản đầu tư lớn nhất của Đại học RMIT đối với một cơ sở ở nước ngoài nhằm mục tiêu phát triển RMIT Việt Nam trở thành trung tâm giáo dục quốc tế lớn của khu vực. RMIT mong muốn được làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam để có thể đóng góp tốt hơn cho giáo dục Việt Nam, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất với Việt Nam và các cơ sở giáo dục Việt Nam, nhất là về quản trị, kiểm định chất lượng giáo dục đại học.