Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Thượng viện kiêm Chủ tịch Quốc hội Myanmar đã hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; chào xã giao Chủ tịch nước Trần Đại Quang; hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; gặp Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; tham dự Hội nghị chuyên đề của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) khu vực châu Á - Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững” do Quốc hội Việt Nam phối hợp với IPU tổ chức.
Chủ tịch Quốc hội Myanmar thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch ngày 15/5. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Nhân dịp này, Chủ tịch Mahn Win Khaing Than cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Myanmar đã tới đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên khẳng định tầm quan trọng của nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Aung San gây dựng, cũng như tiếp tục phát huy các thành quả đạt được sau hơn 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hai bên đồng ý cùng nhau tạo điều kiện về chính sách pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp hai nước đầu tư và kinh doanh tại nước sở tại. Phía Myanmar bày tỏ hy vọng sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, kinh doanh.
Việt Nam đề nghị sớm ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hải quan, tài chính, sửa đổi, bổ sung Hiệp định Khuyến khích bảo hộ đầu tư và Biên bản ghi nhớ xúc tiến đầu tư giữa hai nước cho phù hợp với tình hình mới; cần tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng như: ngân hàng, hàng không, viễn thông, dầu khí, nông nghiệp.
Hai bên đồng tình về việc cần tiếp tục duy trì việc trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao giữa hai Quốc hội; trao đổi đoàn giao lưu nhóm nghị sĩ để tham khảo, trao đổi kinh nghiệm hoạt động lập pháp, giám sát và các vấn đề quốc tế, khu vực hai bên cùng quan tâm.
Hai bên thống nhất, Quốc hội hai nước sẽ tham khảo và ủng các quan điểm của nhau tại các diễn đàn liên minh nghị viện thế giới và khu vực, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước; xây dựng sự đoàn kết của cộng đồng ASEAN. Hai Quốc hội cần phối hợp giám sát việc thực hiện các Thỏa thuận, chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ. Hai bên thống nhất tăng cường giao lưu nhân dân, coi đây là kênh thông tin cần thiết, là cầu nối để thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Chủ tịch Mahn Win Khaing Than khẳng định lại lập trường của Myanmar về vấn đề Biển Đông là các bên liên quan cần tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); Ủng hộ việc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hợp tác, thúc đẩy sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Myanmar khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực để thể hiện lập trường chung của ASEAN về vấn đề này.