Tại các nơi đến, ông Nguyễn Đức Trung đã thăm hỏi về đời sống của người dân, tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả thiên tai của các gia đình; chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà các gia đình gặp phải trong đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời trao những suất quà ý nghĩa cho bà con vùng bị ảnh hưởng.
Sau khi trực tiếp kiểm tra điểm có nguy cơ sạt lở cao tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu huyện Kỳ Sơn sớm có phương án tái định cư cho bà con, trước mắt cần di dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, từ ngày 28/9 đến 2/10, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có mưa to đến rất to đã gây ra đợt lũ ống, lũ quét đã làm 1 người chết, 233 nhà bị thiệt hại, trong đó 56 nhà bị trôi và sập hoàn toàn; 141 nhà bị ngập, sạt lở, hư hỏng; 36 nhà phải di dời.
Ngoài ra, trận lũ quét làm trôi 7 phòng trọ, 1 gian bán hàng quán của nhân dân. Mưa lớn gây ngập lụt các cơ quan hành chính như: Trung tâm Chính trị huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Nhà công vụ UBND huyện, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Chi cục Thi hành án dân sự, Huyện ủy, UBND huyện… Ước thiệt hại do mưa lũ hơn 200 tỷ đồng.
Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, UBND huyện Kỳ Sơn đã huy động tổng lực, phối hợp với các đơn vị như Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham gia ứng cứu, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ; kịp thời cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm, vật tư cần thiết cho người dân vùng ảnh hưởng do lũ quét. Tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn, trong khi nguồn lực của địa phương hạn chế nên về lâu dài huyện đề nghị tỉnh, trung ương có giải pháp hỗ trợ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho rằng, đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Trong thời gian ngắn huyện Kỳ Sơn đã chủ động, nhanh chóng huy động được lực lượng quân sự, biên phòng, công an cùng phối hợp để hỗ trợ nhân dân.
Ông Nguyễn Đức Trung cũng đánh giá cao tinh thần vượt khó của nhân dân, trong hoàn cảnh khó khăn đã đùm bọc chia sẻ với nhau; gửi lời cảm ơn các cơ quan báo chí đã vào cuộc kịp thời, đưa thông tin chính xác, khách quan đến đại chúng.
Hiện nay, khối lượng công việc còn rất lớn, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và các lực lượng cần quyết tâm hơn nữa. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu chính quyền địa phương cần kịp thời hỗ trợ người dân ở các vùng bị ảnh hưởng trực tiếp, nhất là các hộ có nhà bị sập, hư hỏng. Đồng thời bảo đảm điều kiện sinh hoạt, lương thực, thực phẩm, nước uống theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước uống sau thiên tai. Nhất là gia đình chính sách, yếu thế, người già, neo đơn".
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Kỳ Sơn tập trung khôi phục hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, các trụ sở cơ quan, chính quyền, trường học, sớm đưa các hoạt động trở về bình thường. Ngoài ra, huyện cần quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường, có biện pháp không để phát sinh dịch bệnh sau lũ. Do tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương cần tập trung theo dõi diễn biến mưa lũ; rà soát các khu dân cư, nhất là các điểm có nguy cơ sạt lở cao để di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng của người dân. Huyện tiếp tục bố trí lực lượng theo phương châm "4 tại chỗ" sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố...
Liên quan đến các công trình huyện Kỳ Sơn đề xuất đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, huyện cần rà soát, đánh giá lại thiệt hại; sắp xếp theo thứ tự ưu tiên… để đầu tư sửa chữa, nâng cấp hợp lý, phát huy hiệu quả tốt nhất, tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa cho huyện.
Trong dịp này, thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã trao tặng huyện Kỳ Sơn 15 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng trao tặng huyện Kỳ Sơn 100 triệu đồng.