Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì hội nghị.
Ra mắt hơn 250 triệu bản sách và xuất bản phẩm
Báo cáo đánh giá nội dung xuất bản phẩm 6 tháng đầu năm 2019, Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) Trần Thanh Lâm cho biết, các nhà xuất bản đăng ký xuất bản hơn 39.000 tên xuất bản phẩm với hơn 1 tỷ bản. Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận đăng ký xuất bản 39.190 tên xuất bản phẩm với 1.106.839.109 bản; nộp lưu chiểu 17.111 xuất bản phẩm với 250.894.836 bản (tăng 6,9% về xuất bản phẩm, tăng 43,6% về bản so với cùng kỳ 2018).
Cùng với việc phục vụ nhu cầu đọc của xã hội với nhiều đối tượng khác nhau, các nhà xuất bản đã xuất bản được nhiều xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của các ngành, địa phương. Nhiều xuất bản phẩm phục vụ tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa - văn nghệ các dân tộc Việt Nam; phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức phổ thông về văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xuất bản phẩm tuyên truyền bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ công tác thông tin đối ngoại.
Đặc biệt, các xuất bản phẩm bao gồm sách, tài liệu, bản đồ có nội dung bảo vệ chủ quyền quốc gia tiếp tục được các nhà xuất bản chú trọng xuất bản.
Cùng với đó, đề tài về lịch sử dân tộc được khai thác với nhiều thể loại khác nhau như sách nghiên cứu chuyên sâu, sách phổ biến kiến thức, truyện tranh dành cho thiếu nhi... đáp ứng được nhu cầu của nhiều lứa tuổi bạn đọc, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia, phát huy truyền thống yêu nước và các giá trị văn hóa lịch sử dân tộc.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên cho biết tình hình xuất bản đang dần đi vào ổn định, kỳ nào cũng tăng trưởng về số đầu sách và lượng bản sách. Kết quả này là nỗ lực rất lớn của các nhà xuất bản, trong đó, có nhiều nhà xuất bản tiêu biểu như Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Kim Đồng…
Theo Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản Trần Thanh Lâm, có được những kết quả này, ngoài việc đầu tư về nội dung xuất bản phẩm, một số nhà xuất bản đã mở rộng hoạt động liên kết xuất bản và giao dịch mua bản quyền, thu được hiệu quả cao. Cùng với đó, công tác truyền thông được các nhà xuất bản và các công ty sách chú trọng thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua việc tổ chức, tham gia các sự kiện để đưa sách đến với nhiều bạn đọc trong và ngoài nước.
Qua công tác quản lý, ông Trần Thanh Lâm cho biết, vẫn xảy ra các hiện tượng như đăng ký đề tài không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản; đăng ký xuất bản ấn phẩm thuộc thể loại hình báo chí, không phải xuất bản phẩm; tên đề tài không phù hợp với tóm tắt nội dung; viết tắt hoặc thiếu thông tin hoặc thông tin không chính xác về tác giả, dịch giả, số lượng in, đối tác liên kết... Những hiện tượng này gây khó khăn, lãng phí cho cơ quan quản lý nhà nước và nhà xuất bản.
Một số nhà xuất bản buông lỏng quản lý dẫn đến vi phạm về nội dung như đề cập tới một số vấn đề, sự kiện liên quan tới chính trị không khách quan hoặc sự ám chỉ mang tính tiêu cực đối với một số vấn đề chính trị; nhận định thiếu khách quan, chưa được kiểm chứng đối với những vấn đề khoa học, những vấn đề về chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và công tác của các cán bộ lãnh đạo cấp cao. Một số cuốn sách có nội dung mang tính tranh luận, trao đổi, chưa được kiểm chứng, chỉ dừng ở mức độ là tài liệu tham khảo cho một số đối tượng bạn đọc nhất định nhưng lại được nhà xuất bản phổ biến rộng rãi...
6 tháng đầu năm, 44 xuất bản phẩm vi phạm bị xử lý (giảm 8,4% so với cùng kỳ 2018). Cụ thể, 22 xuất bản phẩm vi phạm nội dung, bị đình chỉ phát hành, sửa chữa tái bản…; 8 xuất bản phẩm sai sót về câu chữ, chính tả (giảm 20% so với cùng kỳ 2018); 14 xuất bản phẩm khác được các nhà xuất bản tự nhận ra sai sót và xử lý, báo cáo Cục Xuất bản, In và Phát hành.
Giữ đúng diện mạo, tôn chỉ, mục đích của các nhà xuất bản
Theo Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng, cách đây 5 năm đạt 350 triệu bản/năm và đến 2019, qua 6 tháng đầu năm, lượng phát hành đã tăng lên hơn 250 triệu bản.
Đề cập tới những điểm sáng của thị trường sách và hoạt động phát triển văn hóa đọc trong thời gian gần đây, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nêu ra những điển hình của công tác phát hành, trong đó có sự tham gia của các trang thương mại điện tử góp phần đưa sách đến mọi miền Tổ quốc. Đồng thời có nhiều điểm sáng trong hoạt động phát triển văn hóa đọc như cuộc thi Tìm kiếm Văn hóa đọc Thủ đô, dự án Sách hay cho Học sinh tiểu học, Tủ sách Nhân ái, chương trình Sách hóa nông thôn… Đây đều là những hoạt động mới nhưng thu hút sự tham gia của đông đảo bạn đọc.
Đề cập tới việc phát triển văn hóa đọc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh tới vai trò chủ động, tích cực từ các nhà xuất bản. Văn hóa đọc phát triển được hay không phải từ các nhà xuất bản; các nhà xuất bản cần tìm lối đi riêng, chủ động tìm kiếm đề tài. Trong thời gian tới, các nhà xuất bản cần tập trung cho công tác đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, thông tin cho đội ngũ biên tập viên; ngoài chuyên môn nghiệp vụ cần chú trọng giáo dục về đạo đức nghề nghiệp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng nêu rõ toàn ngành tập trung rà soát kế hoạch đề tài, xuất bản các ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, bộ, ngành, địa phương, tuyên truyền các sự kiện chính trị, lịch sử những ngày lễ lớn của đất nước... Các nhà xuất bản chủ động xây dựng cơ cấu đề tài hợp lý, làm tốt công tác khai thác bản thảo có giá trị, chất lượng, cải tiến nội dung và hình thức; nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo và biên tập viên nhà xuất bản.
Nhìn nhận sách có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý mỗi đơn vị, cá nhân tham gia công tác làm sách không chỉ làm sách hay, mà còn làm sách đẹp, chú trọng tới cả chất liệu giấy. Các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản, nhà xuất bản chú trọng hơn trong việc giữ đúng diện mạo, tôn chỉ, mục đích của các nhà xuất bản, gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành.