Nước ta có 53 dân tộc thiểu số, với 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước; sinh sống thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố. Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải Miền trung, chiếm 3/4 diện tích của cả nước.
Đồng bào dân tộc thiểu số thường tập trung sinh sống ở vùng núi cao, biên giới, là những vùng có địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, nơi khó khăn nhất của nước ta; đồng thời cũng là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái. Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giai đoạn 2016 - 2018, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được chú trọng thực hiện, qua đó đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Theo Báo cáo tóm tắt đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi (giai đoạn 2016 - 2018) của Chính phủ, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản đề cập đến việc ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 15 đề án, chính sách dân tộc có tính chất đặc thù, phù hợp với nhu cầu thực tiễn như: Chính sách hỗ trợ ưu tiên học sinh vùng đồng bào khó khăn, tuyển sinh và ưu tiên học tập cho học sinh dân tộc thiểu số rất ít người; Chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách văn hóa, tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật... Hiện nay có 54 chính sách còn hiệu lực hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cao độ cho công tác giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đạt kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đề ra. Từ năm 2016 đến năm 2018, Chương trình 135 đã đầu tư trên 9.100 công trình, duy tu, bảo dưỡng gần 3.300 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo; tập huấn cho 103.000 người, dạy nghề cho khoảng 720.000 ngàn người dân tộc thiểu số, góp phần giúp con em đồng bào dân tộc thiểu số tìm kiếm việc làm. Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp đã cho 1,4 triệu hộ dân tộc thiểu số vay 45.194 tỷ đồng phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016). Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%...
Bên cạnh đó, công tác đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi tiếp tục được quan tâm, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số. Mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non, trường phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được củng cố, mở rộng, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học dân tộc. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết nhằm bảo vệ, nâng cao chất lượng giống nòi của một số dân tộc thiểu số đang bị suy giảm.
Giai đoạn 2016 - 2018, các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã được triển khai đồng bộ. Đến tháng 8/2018, đã có 1.052 xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29 % (toàn quốc đạt tỷ lệ ,32%). Ngoài ra, công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số được các cấp, ngành quan tâm đúng mức. Hiện nay có 3 di tích quốc gia, 8 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số được xếp hạng di tích quốc gia; có 126 di sản văn hóa phi vật thể, 276 nghệ nhân ưu tú là người dân tộc thiểu số. Phát huy giá trị của di sản, bước đầu tại các địa phương đã xây dựng được hơn 5.000 cơ sở du lịch trải nghiệm góp phần tăng thu nhập cho người dân. Trong 3 năm, đã có 6 dân tộc tổ chức ngày hội văn hóa riêng của dân tộc mình gồm: Dao, Mường, Mông, Thái, Chăm, Khmer. Thông tin, tuyên truyền vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhanh, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc của nhân dân.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác xây dựng, thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người có uy tín trong cộng đồng được đặc biệt quan tâm. Trong gần 3 năm qua, cả nước đã bầu chọn, suy tôn 34.871 người có uy tín trong cộng đồng. Trên 730 cuộc tập huấn, cung cấp thông tin cho hơn 34.000 lượt người có uy tín đã được tổ chức trên phạm vi toàn quốc... Điểm nhấn trong thời gian qua là việc tổ chức thành công của Lễ tuyên dương người người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu các dân tộc thiểu số lần thứ nhất với 520 đại biểu của 54 dân tộc ở 52 tỉnh, thành phố vào năm 2017, góp phần tạo sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội tích cực, qua đó củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được chú trọng. Trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Trước tình trạng thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu… diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đột xuất, đảm bảo an sinh xã hội, không để người nào bị thiếu đói không được trợ giúp. Từ năm 2016 - 9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã cấp 117 nghìn tấn gạo để hỗ trợ các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; cấp từ nguồn ngân sách Trung ương 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ làm nhà cho những hộ bị thiên tai mất nhà ở, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung giải quyết các vấn đề bất cập
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp nhiều hạn chế, do đồng bào các dân tộc thiểu số thường sinh sống ở địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn, ở những địa phương nghèo, chủ yếu nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương. Điều này gây trở ngại trong quá trình lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện chính sách dân tộc, trong khi đó ngân sách Trung ương lại chưa bố trí được nguồn vốn riêng để thực hiện một số chính sách, do vậy không đạt được mục tiêu một số đề án, chính sách đã được phê duyệt.
Do xuất phát điểm của vùng dân tộc thiểu số và miền núi thấp, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, chất lượng nguồn nhân lực và mặt bằng dân trí thấp nên gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư; thiếu việc làm, đói nghèo, thiên tai, bệnh tật, đang là thách thức lớn. Từ đó, làm nảy sinh một số vấn đề bức xúc trong đồng bào dân tộc thiểu số như: Di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... giải quyết chưa hiệu quả. Đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực. Tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,6% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52,7% số hộ nghèo của cả nước.
Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn nhiều khó khăn. Vẫn còn khoảng 21% người dân tộc thiếu số trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Đặc biệt, vẫn tồn tại tình trạng tỷ lệ được cấp thẻ bảo hiểm y tế cao nhưng tỷ lệ khám, chữa bệnh còn thấp, do phòng khám đa khoa khu vực của các tỉnh miền núi không được điều trị nội trú, chưa được thanh toán bảo hiểm y tế, chậm được giải quyết.
Tỷ lệ người không còn mặc trang phục dân tộc, không biết nói tiếng dân tộc của mình ngày càng tăng. Dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số chỉ được phục dựng khi lễ hội, ít được diễn ra trong đời sống hàng ngày. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trong cơ quan nhà nước các cấp có xu hướng giảm; đa số các bộ, ngành và địa phương chưa đạt được tỷ lệ theo quy định tại Quyết định 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... Ngoài ra, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ cũng gây ảnh hưởng lớn đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Sạt lở đất, xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu long; lũ ống, lũ quét ở các tỉnh Tây Bắc; hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải Miền Trung... làm cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.
Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, thời gian tới, công tác kiểm tra, bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện quyết liệt các chính sách dân tộc đã ban hành sẽ được tăng cường, các cấp, bộ, ngành chức năng và toàn hệ thống chính trị - xã hội nỗ lực cao nhất để tạo sự chuyển biến rõ rệt trong đời sống của đồng bào ở vùng dân tộc thiểu số, nhất là Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây duyên hải miền Trung. Việc đánh giá đúng đắn tình hình, đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả để giải quyết căn cơ tình trạng di dân tự phát, từng bước sắp xếp ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số di cư đến các tỉnh Tây Nguyên, một số tỉnh Tây Bắc là công tác hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết căn bản những khó khăn, bất cập hiện nay để không ngừng nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là nhóm dân tộc rất ít người; định hướng xây dựng chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030 theo hướng tích hợp, thiết thực, hiệu quả. Ở cấp địa phương, cần tổ chức thành công đại hội các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh, nhằm khẳng định thành tựu to lớn đã đạt được về đại đoàn kết các dân tộc; về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khẳng định niềm tin tuyệt đối của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước; nỗ lực phấn đấu, vượt khó vươn lên, hội nhập và phát triển cùng với đất nước.