Giáo sư, Tiến sỹ Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, Hội thảo lần này rất có ý nghĩa, diễn ra trong bối cảnh mà chúng ta đang tích cực chuẩn bị văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong đó, Chính phủ được giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045 - hai mốc rất quan trọng, tròn 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm lập nước (2045).
Mô hình tăng trưởng và chuyển đổi hình thành rõ nét từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cho tới nay. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, mô hình tăng trưởng đã được chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển chiều rộng gắn với chiều sâu, theo đó mở rộng quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả mang tính bền vững; đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII được phát triển thêm, nhưng lấy phát triển chiều sâu là hướng chủ đạo và nâng cao tính bền vững, chú trọng cả số lượng và chất lượng.
Đến Hội nghị Trung ương 4 năm 2016, Trung ương Đảng đã nhận diện cụ thể hơn về quan điểm mô hình tăng trưởng lấy hiệu quả làm thước đo năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời huy động phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dần mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và xuất khẩu. Theo đó đầu tư xuất khẩu vào thị trường trong nước, chuyển dần gia tăng số lượng đầu vào sản xuất sang tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại Hội nghị Trung ương 5 năm 2017, Trung ương Đảng chú trọng nội dung khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như một đột phá chiến lược để thực hiện mô hình tăng trưởng này.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hai thành tố đó là phác thảo mô hình chúng ta mong muốn và cái đích chúng ta đạt được là gì? Mô hình tăng trưởng không phải tự nhiên mà có được, thể hiện trong quan điểm của Đảng hay các quan điểm lớn, các vấn đề chính sách lớn, định hướng lớn để đạt được mô hình tăng trưởng. Vì vậy, nói đến mô hình tăng trưởng là nói đến tái cơ cấu nền kinh tế. Hai thành tố này gắn rất chặt với nhau, khi chúng ta hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện, tái cơ cấu phát triển, lúc đó cần chú trọng đến yếu tố vĩ mô và các trọng tâm của tái cơ cấu.
Đánh giá khái quát tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Trong 3 năm qua, chuyển đổi kinh tế cho thấy tín hiệu tích cực. Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo 3 trọng tâm đã đạt được một số kết quả khả quan. Số lượng doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa tăng mạnh, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh việc thoái vốn khỏi ngành nghề không phải ngành nghề kinh doanh chính. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng giảm mạnh so với thời điểm trước khi có đề án tái cơ cấu kinh tế, lãi suất tương đối ổn định và các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, kinh doanh có lãi. Tỷ lệ đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội đã giảm, tỷ trọng đầu tư công vào các lĩnh vực khai khoáng sau khi tái cơ cấu cũng giảm so với trước tái cơ cấu, và ngược lại đầu tư công vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo có tỷ trọng tăng. Ba trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và tái cơ cấu đầu tư công đang đạt được những bước tiến tích cực.
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, theo như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (2016): “Nhìn chung, mô hình tăng trưởng ở nước ta chậm được đổi mới, về cơ bản vẫn theo mô hình cũ; tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào tăng đầu tư và tăng số lượng lao động, chưa dựa nhiều vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế”.
Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng trước các cơ hội và thách thức to lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đang lan vào từng ngóc ngách của các lĩnh vực kinh tế, xã hội và quản trị, vừa tạo ra những cơ hội vừa tạo nên những thách thức cho mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Tận dụng cơ hội và giảm thiểu thách thức như thế nào để thúc đẩy chuyển đổi môi hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 là chủ đề lớn để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách cùng nhau xem xét và thảo luận, tìm ra những giải pháp chính sách cho giai đoạn mới.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức tương đối cao nhưng thực tế không đạt được mục tiêu đề ra theo Chiến lược 2011-2020, chỉ đạt 6,3% so với mục tiêu đặt ra là bình quân 7 - 8%/năm mặc dù có lợi thế về "dân số vàng".
Từ nhận định này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn đề xuất Việt Nam nên tập trung vào việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, tiến tới chấm dứt theo đuổi mô hình theo chiều rộng vì còn ít dư địa; thay đổi tỷ lệ các nguồn lực đóng góp cho tăng trưởng, ưu tiên cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng hai cơ hội vàng là Cách mạng Công nghiệp 4.0 và cơ cấu "dân số vàng" để có thể tăng trưởng nhanh và chất lượng; ưu tiên sử dụng và khai thác năng lượng tái tạo để phục vụ tăng trưởng xanh; tập trung giải quyết các vấn đề bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học và phát thải khí nhà kính để đảm bảo tăng trưởng xanh và chất lượng tăng trưởng...
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá sâu về thực trạng nền kinh tế và mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn chiến lược vừa qua, nhận diện những xu thế thời đại, bối cảnh trong nước, quốc tế, đúc rút kinh nghiệm của các nền kinh tế thành công và không thành công, quá trình vượt bẫy thu nhập trung bình; từ đó đề xuất mô hình tăng trưởng kinh tế - phương thức đưa Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước có thu nhập cao trong hơn hai thập kỷ tới.