Chưa có đánh giá về độ an toàn của đập thuỷ điện Sông Tranh 2

Liên quan đến sự cố đập thuỷ điện Sông Tranh 2, ở huyện Bắc Trà My, ngày 10/4, UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Viện vật lý địa cầu do Tiến sỹ Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần làm trưởng đoàn để nghiên cứu tiếp theo về mối quan hệ giữa các vấn đề ảnh hưởng đến thuỷ điện và địa lý.

Tại buổi làm việc, các nhà khoa học cho biết: Trong chuyến công tác này, Đoàn mới chỉ đi xem xét hiện trạng của đập thuỷ điện Sông Tranh 2 như thế nào và thu thập số liệu theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Do vậy, chưa đưa ra đánh giá về độ an toàn của đập thuỷ điện Sông Tranh 2. Vấn đề này cần phải có đầy đủ các số liệu quan trắc và có hội đồng nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng mới có thể đưa ra đánh giá.

Tuy nhiên theo các nhà khoa học, qua xem xét, khảo sát thực tế phát hiện có hiện tượng khác thường về lưu lượng nước thấm chưa được kiểm soát, chưa có vết nứt nào mới do tác động của hiện tượng động đất kích thích trong thời gian qua, mà chỉ có biểu hiện một số khe nhiệt có độ mở lớn. Các nhà khoa học cũng cảnh báo với Ban quản lý thuỷ điện trong đập có thiết kế khá nhiều sensor (thiết bị cảm biến) để thông báo tình trạng trong thân đập về ứng xuất, dịch chuyển ứng xuất trong thân đập; đồng thời, cần có số liệu qua trắc đầy đủ chính xác...

Những thông tin đó nếu được thu thập đầy đủ thì các nhà khoa học hoàn toàn có thể đánh giá kiểm soát được độ an toàn về sự xuất hiện các vết nứt có thể gây mất an toàn cho thân đập. Ban quản lý thủy điện cũng phải theo dõi chặt chẽ những khe nhiệt để cung cấp dữ liệu cho các nhà khoa học. Theo các nhà địa vật lý, đất Quảng Nam trong lịch sử đã có hiện tượng động đất, tuy nhiên chưa đến mức độ cao như khu vực vùng Tây Bắc. Để nghiên cứu vấn đề này cần phải đặt tối thiểu 5 trạm quan trắc tại khu vực huyện Bắc Trà My và khu vực đập thuỷ điện Sông Tranh 2. Những hiện tượng đã thấy tại thuỷ điện Sông Tranh 2 gần đây cần phải nghiên cứu chi tiết nhanh để đưa ra những nhận xét, kết luận chính xác về hiện trạng và hiện tượng của đập...


Cần phải có các thiết bị hiện đại để quan trắc xem trong thân đập có hiện tượng như thế nào, từ đó đưa ra những số liệu chính xác để chính quyền và nhân dân địa phương yên tâm. Ảnh: Vnexpress.net


Tuy nhiên, các ngành liên quan của tỉnh Quảng Nam cho rằng việc động đất kích thích thời gian vừa qua ở huyện Bắc Trà My, các cơ quan chuyên môn cần đặt các trạm quan trắc để phân tích số liệu cho chính xác hơn. Việc chính quyền nhân dân địa phương đang quan tâm vấn đề giữa động đất kích thích đến đập thuỷ điện có liên quan gì không. Trong thời gian vừa qua có rất nhiều đoàn từ Trung ương và địa phương đi kiểm tra nhưng vẫn chưa đưa ra được kết luận chính xác về độ an toàn của đập thuỷ điện Sông Tranh 2.

Theo kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi tỉnh Quảng Nam: Với một thân đập xây dựng hiện đại như đập thuỷ điện Sông Tranh 2 mà các đoàn kiểm tra chỉ quan sát bằng mắt thường để đánh giá đập có hiện tượng gì không thì rất khó. Cần phải có các thiết bị hiện đại để quan trắc và tìm hiểu xem trong thân đập có hiện tượng như thế nào, từ đó đưa ra những số liệu chính xác để chính quyền và nhân dân địa phương cũng như dư luận yên tâm. Các nhà khoa học cần phối hợp giữa chuyên gia thuỷ công công trình thuỷ lợi, cơ học và vật lý địa cầu để đánh giá một cách chính xác, từ đó đưa ra mối quan hệ giữa động đất với đập thuỷ điện để có nguồn thông tin chính xác...

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết: Chính quyền tỉnh Quảng Nam thời gian qua đã tiếp thu những thông tin của các Bộ, ngành liên quan về vấn đề động đất kích thích và đập thủy điện Sông Tranh 2; đồng thời thông báo các kết quả phân tích đánh giá xuống địa phương. Tuy nhiên, về lâu dài, Phó Chủ tịch Đinh Văn Thu kiến nghị cần nghiên cứu lâu dài, phải có quan trắc, tính toán phân tích và có báo cáo của hội đồng đánh giá một cách thận trọng. Cần có đề tài khoa học nghiên cứu cấp nhà nước liên quan đến động đất kích thích và an toàn của đập thuỷ điện trình Chính phủ xem xét. Trước mắt, tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ đầu tư thuỷ điện Sông Tranh 2 khẩn trương đầu tư kinh phí đặt các trạm quan trắc để phục vụ yêu cầu nghiên cứu phân tích một cách chính xác của các nhà khoa học trong thời gian lâu dài.

TTXVN/ Tin Tức

Tái định cư thủy điện Sông Tranh 2: Những bất cập cần tháo gỡ
Tái định cư thủy điện Sông Tranh 2: Những bất cập cần tháo gỡ

Sau khi thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, hơn 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với khoảng 5.000 nhân khẩu đã phải di dời, đến định cư ở 5 khu. Sau hơn 5 năm thực hiện, bức tranh toàn cảnh về tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 lộ ra nhiều bất cập, gây nhiều khó khăn cho đồng bào...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN