Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu phương án tăng tuổi nghỉ hưu để đề xuất Chính phủ đưa vào dự thảo Luật lao động (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội năm 2017. Một trong những lý do mà Bộ đưa ra là bởi nguy cơ mất cân đối Quỹ Bảo hiểm Xã hội. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng kiến nghị tăng tuổi nghỉ hưu theo tuổi thọ trung bình. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh). |
Cho tới nay, theo tất cả thông tin tôi được biết thì thấy những phân tích đó chưa đầy đủ và chưa có đủ cơ sở để đưa ra đề xuất đó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm Xã hội như mức phí thấp, đóng không đủ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, nợ bảo hiểm xã hội cũng chẳng phạt được, bộ máy quản lý cồng kềnh, công nghệ thông tin áp dụng chưa đáp ứng yêu cầu nên vẫn có hiện tượng lạm dụng quỹ. Với tình trạng như thế thì sẽ vẫn có nguy cơ vỡ quỹ dù có nâng tuổi nghỉ hưu lên bao nhiêu đi nữa.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần tổng hợp, tìm dữ liệu để có cơ sở thuyết phục hơn. Không chỉ vì một nguyên nhân này mà đi đến quyết định vội vàng về một chính sách nào đó bởi nó ảnh hưởng đến rất nhiều người.
Thực tế, ở các nước khác trên thế giới họ càng ngày càng cố gắng phải làm sao để giảm độ tuổi lao động xuống , đấy cũng là quyền lợi của người lao động. Vì sẽ rất buồn nếu lúc nghỉ hưu mà chẳng còn sức lực để hưởng thụ cuộc sống, hưởng thụ ngày an nhàn. Hiện nay tuy là tuổi thọ trung bình của chúng ta đã được nâng lên (trên 70 tuổi) nhưng sống không mạnh khỏe. Đối với số đông, nam 60, nữ 55 tuổi nghỉ hưu là tạm được. Tôi biết có những ngành nghề với phụ nữ chỉ đến khoảng 50 tuổi đã hết sức, mệt mỏi lắm rồi. Cho nên cái này phải tính toán kỹ lưỡng.
Hiện nay, chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế. Liên bộ Nội vụ, Tài chính cũng có thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 108 về tinh giản biên chế. Theo đó, những người nghỉ hưu trước tuổi được khuyến khích và được hưởng một số ưu đãi. Vậy đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu liệu có mâu thuẫn với chính sách hiện nay không?
Đúng là có sự mâu thuẫn. Một mặt chúng ta muốn tinh giản, một mặt lại muốn kéo dài. Khi tinh giản thì cũng có lý do mà khi kéo dài thì cũng có lý do. Nhưng như tôi đã phân tích ở trên, nếu chỉ vì sợ vỡ Quỹ Bảo hiểm Xã hội mà tăng tuổi nghỉ hưu thì không nên. Vì như thế là ta muốn “vá” quỹ bằng cách này nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ và kèm theo rất nhiều hệ lụy khác nữa có thể xảy ra.
Thực tế, hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức đã quá đông, có tình trạng là một bộ phận công chức, viên chức làm việc không hiệu quả. Trong khi đó, mức lương chưa cao, không thể đãi ngộ được người tài. Nhiều công chức, viên chức lấy lý do này nên làm việc không hết hiệu quả, chưa kể đó là tiền đề hay cái để họ chống chế khi có vi phạm, tiêu cực, nhũng nhiễu doanh nghiệp cũng như xã hội. Bên cạnh đó, hiện nay số người trẻ ra trường thất nghiệp còn nhiều, đặc biệt là những cử nhân, thạc sĩ. Khi “đầu ra” chậm lại thì “đầu vào” sẽ khó.
Cho nên nếu sang năm Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội đề xuất
tăng tuổi hưu thì phải đưa ra được những lý do thuyết phục, có cơ sở, trong đó những cơ sở này phải dựa trên tất cả những phân tích về những hệ lụy có thể xảy ra. Có như vậy thì đại biểu Quốc hội mới có đủ dữ liệu để cân nhắc, xem xét, đánh giá.
Nhưng thực tế, có những người đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn còn đủ sức khỏe, trình độ và có nguyện vọng cống hiến?
Đúng là như vậy. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ hoan nghênh nhất của việc tăng tuổi nghỉ hưu là số cán bộ làm văn phòng vì công việc tương đối nhẹ nhàng, hoặc cán bộ ở một cấp nào đó trở lên thì có thể là thích kéo dài, chứ người lao động thì đa số là không. Tôi nghĩ đây cũng là điều mà các đại biểu Quốc hội sẽ đặt lên bàn cân vì đó là một chính sách rất lớn vì theo đề xuất này cái chính là muốn tăng mức đóng bảo hiểm xã hội và tăng thời gian đóng mà thôi.
Cho nên theo tôi, có thể tăng tuổi hưu nhưng mà phải phân biệt các đối tượng. Chẳng hạn với những người làm chuyên môn, làm khoa học nếu đến tuổi nghỉ hưu mà vẫn đủ sức khoẻ, có chất xám và vẫn muốn tiếp tục công việc, tất nhiên phải có hội đồng đánh giá. Điều quan trọng là phải làm sao người lao động tiếp tục làm việc là phải trên cơ sở họ tự nguyện. Bởi thực tế, có nhiều người sau khi nghỉ hưu, ra bên ngoài làm thu nhập có khi còn cao hơn lúc làm nhà nước, thì sao lại bắt buộc họ ở lại. Hoặc với người đã không còn nhiệt huyết, không còn sức khỏe, động lực nếu tiếp tục công việc thì sẽ kéo hiệu quả công việc đi xuống.
Nhưng với người lao động chân tay thì nên để họ nghỉ hưu đúng tuổi, nhất là với phụ nữ đến tuổi đó cũng mệt mỏi lắm rồi. Không nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với chức vụ quản lý để tránh tình trạng “giữ ghế”. Bởi thực tế, đối với không ít cơ quan nhà nước việc tuyển công chức rất khổ, vẫn có tiêu cực, vẫn có gửi gắm. Và khi đã vào làm nhà nước rồi thì dù có làm bê bết, lay lắt cũng chẳng thể nào “đuổi” ra được. Mà nếu đã làm việc không hiệu quả, mà anh lại ở một vị trí quản lý cấp càng cao, càng lâu thì kéo theo nhiều hệ lụy.