Chuẩn bị bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về thành phố Hà Nội

Chiều 29/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cùng Đoàn công tác đã khảo sát, làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Chú thích ảnh
Mô hình Khu Trung tâm Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: gov.vn

Báo cáo về tình hình xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc Lưu Hoàng Long cho biết, Khu công nghệ cao Hòa Lạc được xây dựng và phát triển như một đặc khu, trong đó trọng tâm là sự kết nối giữa khoa học và sản xuất.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc được quy hoạch xây dựng và phát triển theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thiết lập môi trường chính sách đặc biệt, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu đầu tư. Giai đoạn 2 là hình thành môi trường đổi mới công nghệ với các trung tâm đào tạo, nghiên cứu triển khai công nghệ cao cho đất nước, đảm bảo quá trình lan tỏa khu công nghệ cao ra các vùng khác. Giai đoạn 3 là trở thành Khu công nghệ cao kiểu mẫu, đầu tàu hình thành các khu công nghệ khác trong nước Việt Nam, trở thành hạt nhân công nghệ cao cho nền công nghiệp hiện đại của nước ta.

Đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 và bắt đầu quá trình triển khai giai đoạn 2 theo đúng kế hoạch. Cụ thể, tại đây đã thiết lập môi trường chính sách đặc biệt, hoàn thành cơ bản việc xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại, thu hút một số tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới đầu tư vào lĩnh vực  công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; đã sản xuất các sản phẩm từ công nghệ cao.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện đã thu hút được 106 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 85.602 tỷ đồng và 702,57 triệu USD trên tổng diện tích khoảng 0 ha. Trong 106 dự án của nhà đầu tư nêu trên, có 60 dự án đang hoạt động, góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 lao động có tay nghề. Trong năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp tại đây đạt khoảng 18.000 tỷ đồng và nộp ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng.

Nhiều dự án đầu tư đã làm chủ được công nghệ lõi, các công nghệ cao có những thành tựu quan trọng, bước đầu lan tỏa và đóng góp vào nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Trong số này, có các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao khác nhau như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT (FPT Software, Đại học FPT), Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản)...

Tại buổi làm việc, Ban Quản lý kiến nghị với UBND thành phố Hà Nội bổ sung các cơ chế, chính sách mới, đặc thù, vượt trội cho công tác xây dựng, phát triển và quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đồng thời, có chế độ đãi ngộ đối với nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao làm việc tại Khu công nghệ cao... tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Nghị định quy định về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc sửa đổi.

Ngoài ra, thành phố xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng và ban hành chiến lược thu hút đầu tư linh hoạt phù hợp với từng thời kỳ, bám sát mục tiêu, định hướng phát triển và nguồn lực sẵn có. Đồng thời, bố trí vốn ngân sách địa phương, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài vốn ngân sách Trung ương để hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong giai đoạn 2021 - 2025…

Theo Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Thị Vân Anh, Bộ đã làm việc với thành phố Hà Nội và thống nhất về thời gian, quy trình bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về UBND thành phố Hà Nội quản lý, được thực hiện sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc này.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã nhiều lần được điều chỉnh quy hoạch để đáp ứng nhu cầu thực tiễn; cơ chế, chính sách qua các giai đoạn cũng có nhiều thay đổi. Đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vẫn duy trì được mục tiêu, định hướng phát triển đề ra và bước đầu đã có được những thành công nhất định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng, phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chưa được như kỳ vọng, còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; về nguồn lực đầu tư, hạ tầng kỹ thuật…

Bí thư Thành ủy đề nghị, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc chuyển giao, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội và các Bộ, Ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết về việc chuyển giao và tiếp nhận tổ chức, bộ máy, hoạt động, các nhiệm vụ, công việc, tài chính, tài sản công.

Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp cùng UBND các huyện Thạch Thất, Quốc Oai tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Thành phố đã chỉ đạo; trong đó, tập trung xử lý dứt điểm giải phóng mặt bằng đối với diện tích 183 ha còn lại.

Đồng thời, các sở, ngành liên quan phối hợp cùng chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án còn khó khăn, vướng mắc về trình tự lập, phê duyệt dự án; trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được thành phố phê duyệt liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai.

Về tổ chức bộ máy và biên chế của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đồng ý giữ nguyên, rà soát lại chức năng nhiệm vụ trên tinh thần ổn định tư tưởng của cán bộ, công nhân viên để yên tâm công tác.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cơ bản hoàn thiện về hạ tầng, thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, các nhóm công nghệ cao và nhiều cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội xây dựng dự án, dự thảo các nghị quyết, quyết định, hồ sơ liên quan để bàn giao nguyên trạng Khu công nghệ cao Hòa Lạc trực thuộc Bộ về thành phố Hà Nội.

Hiện, các hồ sơ, thủ tục cơ bản hoàn thành, đang lấy ý kiến lần cuối các bộ, ngành liên quan. Bộ Khoa học và Công nghệ và thành phố Hà Nội đã thống nhất báo cáo Chính phủ để có bước chỉ đạo tiếp theo.

Tuyết Mai (TTXVN)
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tiếp tục thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tiếp tục thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn

Ngày 30/12, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho hai dự án, tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất các dược phẩm công nghệ cao và phát triển phần mềm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN