Chuẩn bị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 được tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 21/6.

Chú thích ảnh
Phát triển bền vững Tứ giác Long Xuyên – vùng kinh tế động lực của ĐBSCL. Ảnh tư liệu: TTXVN

Sáng 18/6, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin về hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030.

Hội nghị sẽ diễn ra tại thành phố Cần Thơ vào ngày 21/6/2022, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì với sự tham dự của các ban, bộ, ngành trung ương, các địa phương vùng ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, các chuyên gia và nhà khoa học.

Phát biểu tại buổi thông tin, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc thống nhất nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng; liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng.

Qua đó, giúp tổ chức thực hiện có hiệu lực, hiệu quả Nghị quyết 13–NQ/TW của Bộ Chính trị và Quy hoạch vùng ĐBSCL đã được phê duyệt; tranh thủ có hiệu quả sự ủng hộ, hợp tác, đồng hành của các bạn bè, đối tác quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để góp phần thực hiện mục tiêu đưa vùng ĐBSCL đến năm 2050 trở thành trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.
Trước đó, khi nói về Quy hoạch vùng ĐBSCL, thông điệp của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch vùng ĐBSCL cần mang một Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới.

Theo đó, sẽ là: chủ động kiến tạo phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, hài hòa, dựa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường; lấy con người là trung tâm, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển văn hóa – xã hội và hệ sinh thái tự nhiên. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, an ninh biên giới, an ninh vùng biển và hải đảo của Tổ quốc…

Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững, hiện đại, sinh thái, văn minh, mang đậm đà bản sắc văn hóa. Đến năm 2050, đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư; khai thác, phát huy có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đưa vùng trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của quốc gia, khu vực và thế giới…

Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế, hệ thống đường ven biển, phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, trong đó chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tại và hệ thống cảng chuyên dùng đường thủy nội địa.

Cùng với đó, thực hiện quy hoạch, Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long từ chỗ phát triển dưới tiềm năng thành nơi đáng sống, năng động, thịnh vượng, là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch và nhà đầu tư. Năm 2030, quy mô nền kinh tế lớn hơn 2 -2,5 lần so với hiện nay. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu. Môi trường sống được tạo dựng bền vững, chất lượng sống của người dân được nâng lên gắn liền với bảo tồn tài nguyên và hệ sinh thái.

Ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hội nghị sẽ bao gồm 6 nội dung chính: Công bố Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2022.

Định hướng triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thống nhất triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Công bố cam kết tài trợ của nhóm 6 ngân hàng phát triển thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025 sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài với mức vốn cam kết vào khoảng 2,2 tỷ đô la.

Xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành cùng Chính phủ triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng về phát triển vùng, liên kết vùng để thực hiện quy hoạch đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Thúy Hiền (TTXVN)
Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc
Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc

Ngày 20/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 495/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN