Cùng dự có Thiếu tướng Lê Hiền Vân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin Việt Nam báo cáo kết quả hoạt động của Hội trong thời gian gần đây, đặc biệt là công tác phối hợp chung tay triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin như: trợ cấp hàng tháng, xây dựng, sửa chữa hơn 3.100 ngôi nhà, cấp hơn 4.100 suất học bổng, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 100.000 nạn nhân...
Đặc biệt, từ ngày Hội được thành lập, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các cá nhân trong cả nước đã dành sự quan tâm, giúp đỡ hỗ trợ kinh phí xây dựng Trụ sở Hội, xây các trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở phục hồi chức năng, đào tạo dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam.
Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tích cực hỗ trợ Hội trong công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về việc chung tay giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; Binh chủng Hóa học, Học viện Quân y, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phối hợp với Hội triển khai các công trình nghiên cứu về chất độc da cam/Dioxin và Dự án xông hơi tẩy độc…
Chia sẻ với những khó khăn mà Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin Việt Nam đã vượt qua, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định: Bộ Quốc phòng sẽ quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội, vì giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin là trách nhiệm của Quân đội và toàn xã hội, có giá trị nhân văn sâu sắc đối với người có công với cách mạng và con cháu của họ.
Để việc hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/Dioxin ngày càng hiệu quả, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch yêu cầu Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nghiên cứu, tăng cường chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trong quân đội mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền sát với thực tiễn hậu quả mà các nạn nhân đang phải gánh chịu, đặc biệt vào dịp Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8 hàng năm.
Các cơ quan chức năng liên quan của Bộ Quốc phòng tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi Pháp lệnh Người có công; tham mưu, đề xuất với Chính phủ đầu tư kinh phí, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng các đề tài nghiên cứu khắc phục hậu quả chất độc hóa học, góp phần giảm thiểu nạn nhân mới và tai nạn chất độc da cam/dioxin còn tồn lưu sau chiến tranh tại các vùng miền.