Đây là hoạt động phối hợp 3 bên đầu tiên do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức nhằm xúc tiến các hoạt động đạo.
Hoạt động từ thiện công khai, minh bạch, phù hợp thực tiễn
Đến dự và phát triển chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao công tác vận động nguồn lực, huy động tài trợ của các tổ chức trong nước, quốc tế để thực hiện các hoạt động từ thiện, nhân đạo ở Việt Nam, đặc biệt giúp đỡ cho những người dễ bị thương hòa nhập cộng đồng.
Bà Trương Thị Mai tin tưởng hội nghị sẽ góp phần nâng cao sự phối hợp giữa các tổ chức, doanh nghiệp để mở rộng các hoạt động nhân đạo phong phú, phù hợp với thực tiễn, nhu cầu cần trợ giúp của cộng đồng.
Theo bà Trương Thị Mai: Công tác từ thiện, nhân đạo thời gian tới còn nhiều khó khăn, thách thức bởi ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là người nghèo còn gặp nhiều khó khăn, nạn nhân thiên tai, thảm họa gia tăng… Do đó, bên cạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cần sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cùng sự nỗ lực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, vai trò điều phối của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Hội nghị lần này cũng là cơ hội để các bên đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện công tác nhân đạo; huy động sự tham gia đông đảo, tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, làm tăng tính thiết thực của các chương trình, dự án.
Bà Trương Thị Mai mong muốn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cần xây dựng các mục tiêu, kế hoạch cụ thể, đề ra giải pháp khả thi, chủ động triển khai, thỏa thuận hợp tác với các đối tác, nhà tài trợ; thực hiện công tác viện trợ nhân đạo công khai, minh bạch để những người cần trợ giúp có thể tiếp cận nhiều hơn với các nguồn lực, không ai bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan cần chủ động trao đổi với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để nắm vững ưu tiên trong quá trình vận động tài trợ nhân đạo cho Việt Nam.
Đa dạng hóa các nguồn lực nhân đạo
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả chương trình viện trợ nhân đạo tại Việt Nam trong 5 năm qua và đưa ra các định hướng ưu tiên hành động nhân đạo giai đoạn 2019-2022. Bên cạnh đó, các đại biểu cùng thảo luận về những cơ hội, thách thức và giải pháp tăng cường trợ giúp các hoạt động nhân đạo, an sinh xã hội, trợ giúp cộng đồng. Từ đó, các đơn vị đóng vai trò nòng cốt, cầu nối trong hoạt động nhân đạo như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp cùng điều phối, ưu tiên theo nhu cầu cần trợ giúp của cộng đồng.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thu Xuân Thu cho biết: 5 năm qua, tổng giá trị nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đạt 2.000 tỷ đồng/năm; trợ giúp 7 triệu lượt người nghèo/năm. Trong đó giá trị các hoạt động công tác xã hội đạt 56%, giá trị hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt 21%, giá trị vận động, hiến máu nhân đạo đạt 11%, giá trị hoạt động tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa đạt 5%, giá trị tuyên truyền các giá trị nhân đạo và đào tạo đạt 7%... Hội Chữ thập đỏViệt Nam đã phát huy vai trò nòng cốt và cầu nối trong công tác nhân đạo với nhiều phương thức đa dạng trong vận động nguồn lực.
Tuy nhiên, bước vào kỷ nguyên số - cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công tác vận động nguồn lực cho hoạt động nhân đạo có nhiều thời cơ cũng như thách thức. Điều này đòi hỏi Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và nhiều đơn vị khác phải nỗ lực hơn nữa, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng tổ chức để vận động, thu hút sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế cũng như khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, an sinh xã hội theo hướng phát triển bền vững.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng khẳng định: Doanh nhân Việt Nam luôn đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, vì cộng đồng chứ không chỉ là hoạt động kinh doanh, sản xuất. Trong lịch sử đã có tấm gương các doanh nhân làm công tác từ thiện tiêu biểu như cụ Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ, Bạch Thái Bưởi… Nhiều doanh nhân ngày nay cũng học tập tinh thần vì người nghèo của các cụ doanh nhân xưa, nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện. Tùy khả năng, lĩnh vực hoạt động, mỗi doanh nghiệp tham gia hoạt động nhân đạo bằng các hình thức ủng hộ, tài trợ khác nhau như đóng góp tiền cho các quỹ từ thiện, cứu trợ đồng bào vùng thiên tai…
Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Đôn Tuấn Phong cũng nêu rõ: Liên hiệp những năm qua đã tích cực vận động bạn bè quốc tế, người Việt Nam tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, trong đó ưu tiên phụ nữ, người già, trẻ em, nạn nhân chiến tranh, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số… Liên hiệp đã vận động 300 triệu USD/năm với sự đóng góp của gần 1.100 tổ chức phi chính phủ quốc tế ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó có 35% tập trung cho y tế; 19% cho việc giải quyết các vấn đề xã hội; phát triển kinh tế là 17%, tài nguyên môi trường 11%, giáo dục và đào tạo là 9%... Sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ không chỉ là tài chính mà còn chú trọng nâng cao năng lực cho các cơ quan, đối tác của Việt Nam,cộng đồng người dân hưởng lợi ở địa phương, nhân rộng mô hình cách tiếp cận phù hợp trong phát triển; đóng góp tích cực vào giảm nghèo bền vững.
Trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động nhân đạo tập trung vào lĩnh vực phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, thảm họa; cứu trợ khẩn cấp; môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; cộng đồng an toàn; y tế và chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng; công tác xã hội; khắc phục hậu quả chiến tranh; chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi và cộng đồng…
Tại hội nghị, 12 đơn vị, tổ chức đã ký kết chương trình phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; 13 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong, ngoài nước ủng hộ, cam kết ủng hộ trực tiếp cho hoạt động nhân đạo, từ thiện với tổng giá trị lên đến hơn 185 tỷ đồng.