Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Quốc Hùng nêu rõ: Hoạt động nhân đạo, từ thiện cần xuất phát từ tâm và đúng nghĩa, không lạm dụng việc nghĩa để "đánh bóng" tên tuổi, làm sai hoặc méo mó đi ý nghĩa nhân đạo vì bất cứ mục đích nào…
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Quốc Hùng chia sẻ: Hoạt động nhân đạo, từ thiện không phải là việc riêng của Hội Chữ thập đỏ hay bất cứ tổ chức nào mà Nhà nước khuyến khích tất cả các cá nhân, tổ chức tham gia. Thông qua các hoạt động nhân đạo sẽ giúp con người hướng thiện, hoàn chỉnh nhân cách, cảm thông với những con người kém may mắn. Những hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp không chỉ về vật chất mà còn được sẻ chia về tinh thần từ sự quan tâm, đồng cảm của cộng đồng.
Đồng chí Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao quà cho các gia đình bị ảnh hưởng do đợt mưa lũ vừa qua tại xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, ngày 14/11. Ảnh: Vũ Hà/TTXVN |
Ông Trần Quốc Hùng cho biết, có những đợt Trung ương Hội xuống địa phương thăm hỏi và trao đồ cứu trợ thì được nghe bà con phản ánh về việc ngập tràn hàng cứu trợ là đồ cũ tại UBND xã. Nguyên nhân được lý giải là do những người làm từ thiện theo kiểu tự phát, khi nhận được đồ quyên góp thì không xem xét, phân loại trước mà chuyển tất cả đồ được quyên góp về địa phương, dẫn tới việc người dân nhận được nhiều đồ cứu trợ không phù hợp, rách nát, hư hỏng…
Thông thường, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cũng như các đội cứu trợ, hoạt động tình nguyện chuyên nghiệp thường dành thời gian sàng lọc, thậm chí giặt là, lau chùi đồ dùng cũ, phân loại theo nhu cầu của người được tặng, chia ra đồ mang tới trường học, đồ người lớn, trẻ nhỏ….
Ông Trần Quốc Hùng cũng nhấn mạnh: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện điều phối để hàng cứu trợ đều ở mức người dân có thể chấp nhận, sử dụng được; hàng cứu trợ phải đúng là cái người dân cần để duy trì cuộc sống. Những đồ cứu trợ quá cũ, không phù hợp với nhu cầu người dân khi được chuyển tới địa phương, các cấp ủy, chính quyền không thể không nhận, nhưng nhận xong cũng không biết phải làm gì, bỏ đi hay tiêu hủy đều cần có sự đồng ý của cả một hội đồng.
Việc cứu trợ theo cách tự phát như vậy vừa làm khó các cấp ủy, chính quyền, vừa lãng phí công sức, tiền bạc vận chuyển hàng tới địa phương… Vẫn biết việc chia sẻ tình cảm với bà con có hoàn cảnh khó khăn là việc làm tốt, đáng hoan nghênh, nhưng những người thực hiện cần chú ý hơn nữa trước khi quyết định trao đồ hỗ trợ.
Quy trình ứng phó thảm họa chặt chẽ Chia sẻ về quy trình ứng phó thảm họa của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Trần Quốc Hùng cho biết, Hội là thành viên của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế nên được kết nối với Hội toàn cầu. Vì vậy, quy trình Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai đa phần đều theo tiêu chuẩn quốc tế. Khi thiên tai, thảm họa xảy ra, thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các tổ chức quốc tế có thể dễ dàng tiếp cận để hỗ trợ người dân Việt Nam.
Trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tổ chức cứu trợ khẩn cấp: cung cấp các thùng hàng gia đình, nhu yếu phẩm cần thiết để người dân sử dụng hàng ngày. Sau đó, Hội tổ chức các hoạt động phục hồi thông qua việc hỗ trợ xây dựng lại, sửa nhà cho nhân dân; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi (nếu cần)...
Trong giai đoạn tái thiết (xây dựng lại điện, đường, trường, trạm...) Hội chủ yếu xây dựng một số cầu, cống, sửa lại trường học, trạm y tế. Ở giai đoạn này, cần nguồn kinh phí lớn nên Chính phủ có vai trò chủ yếu. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam còn tăng cường thực hiện các biện pháp, dự án để khi thiên tai, thảm họa xảy ra sẽ giúp giảm nhẹ mức độ ảnh hưởng, thiệt hại.
Có thể kể đến dự án Bức tường xanh - trồng rừng ngập mặn; xây dựng nhà cộng đồng, tránh trú người dân khi xảy ra thiên tai... Bên cạnh đó, trước mỗi mùa thiên tai, Hội tổ chức các hoạt động phòng ngừa thông qua việc hội thảo, tập huấn đào tạo cán bộ, người dân tại địa phương thường xảy ra thiên tai, thảm họa, xây dựng các đội ứng phó khẩn cấp…
Việc cứu trợ đều được khảo sát, lựa chọn từ thực tế nhu cầu của cộng đồng tại địa phương. Hội có tiêu chí để đánh giá người hưởng lợi như mức độ bị ảnh hưởng, thiệt hại, mức độ nghèo, mức độ đã được hỗ trợ từ các nguồn khác, có tình trạng dễ bị tổn thương hay không... Sau đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ phân loại, bình xét, lựa chọn người được cứu trợ để cấp phát tùy theo dự án và các hoạt động của Hội.
Khi thực hiện cứu trợ người dân, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai dựa trên tiêu chuẩn tối thiểu trong cứu trợ nhân đạo, tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm, thiết yếu nhất của con người bao gồm: Cung cấp nước, vệ sinh và khuyến khích thực hành vệ sinh; an ninh lương thực và dinh dưỡng; nhà ở, nơi định cư và các mặt hàng phi lương thực; dịch vụ y tế. Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Trần Quốc Hùng cho biết, Hội sẽ căn cứ vào các tiêu chuẩn tối thiểu trong cứu trợ nhân đạo để xây dựng các định mức, chương trình hỗ trợ. Mặc dù Việt Nam chưa thể đáp ứng được các tiêu chuẩn trong cứu trợ nhân đạo mà mới chỉ ở mức tiệm cận, nhưng chúng ta đã có một chuẩn để phấn đấu đạt được.
"Nhằm giảm thiểu tình trạng hàng cứu trợ không thể đến tận tay người dân, Hội cũng có cơ chế kiểm tra, giám sát ngẫu nhiên một số hộ hưởng lợi; ghi rõ thông tin tên và số điện thoại của cán bộ đầu mối trên các vật dụng cứu trợ để người dân phản ánh khi có vấn đề xảy ra...", Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Trần Quốc Hùng cũng cho biết.