Báo Tin tức xin giới thiệu loạt bài viết của ông Hồ Trung Phước về những ký ức không thể nào quên trong giai đoạn trước Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bài 1: Tuổi thơ “hoạt động” trong lòng địch
Năm 1965, xã Sùng Nhơn mới thuộc quận lỵ Hoài Đức, là vùng đất Ngô Đình Diệm lập ra sau khi cách mạng giải phóng Sùng Nhơn cũ (ở phía bắc sông La Ngà). Chúng dồn dân về đây lập vùng ấp chiến lược để thực hiện chiến lược bình định nông thôn.
Thiếu nhi cách mạng
Gia đình tôi có 6 người, chị Hai và chị Ba thoát ly theo cách mạng năm 1964 khi ta giải phóng Sùng Nhơn; còn lại bị bắt về vùng địch tạm chiếm để dồn dân lập ấp chiến lược. Khi bị dồn về nơi ở mới trong vùng ấp chiến lược, địch rà soát lại những gia đình có người thân tham gia cách mạng và thực hiện kế hoạch gọi là cải huấn, tìm cách ly gián họ với cách mạng. Gia đình tôi nằm trong danh sách ấy, mẹ tôi thường xuyên bị bắt bất thình lình lên đồn, bị tra khảo, đánh đập, đổ xà phòng vào miệng...
Tuy vậy, chúng vẫn không khai thác được gì. Chúng lại thả mẹ tôi về, mấy tháng sau lại tới bắt lên đồn tiếp. Cứ như thế, không biết bao nhiêu lần. Có lần, chúng ập đến, lùa cả mẹ và tôi lên xe đem lên chi khu Hoài Đức nhốt trong trại tạm giam. Trong kí ức tuổi thơ tôi, có những hình ảnh tôi chạy chơi gần hàng rào kẽm gai nhọn hoắt tua tủa như muốn đâm nát trời chiều… Sau này, tôi mới hiểu mẹ mang tôi theo luôn, vì đận ấy mẹ phải đi ở tù tận trên quận lỵ Hoài Đức. Nếu tôi ở nhà sẽ không có ai trông nom. Tuổi thơ của tôi có cả những chuỗi ngày lớn lên trong cảnh tù ngục của địch.
Dù đối diện bao nhiêu nguy hiểm rình rập nhưng mẹ và chị Bốn vẫn tiếp tục hoạt động cơ sở cách mạng tại K12. Năm 1972, lần đầu tiên tôi được chị tôi đưa vào rừng, dưới chân núi Dinh, để được gặp các anh trong đội công tác. Tại đây, được nghe các anh giảng giải về lý tưởng cách mạng; vì sao phải đánh đuổi Mỹ- ngụy; giải phóng miền Nam, được nghe kể về miền Bắc XHCN với bao điều tốt đẹp.….Và rồi đến tháng 6/1973, tôi mới được chính thức tham gia trong tổ chức đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, do anh Lâm Hòa Kháng ở đội công tác K12 kết nạp.
Nhớ lại buổi lễ hôm ấy tuy đơn sơ, nhưng rất thiêng liêng đã hằn sâu vào kí ức của tôi. “Hội trường" để làm lễ kết nạp là một đám bụi tranh được đè rạp xuống vài mét vuông nằm dưới chân núi Dinh; một lá cờ Tổ quốc, lá cờ Đoàn và Đội với hình búp măng non được treo lên. Lần đầu tiên, tôi được đứng dưới là cờ Tổ quốc và tuyên thệ, trở thành một thiếu nhi cách mạng. Ngoài tôi ra, còn có anh Nguyễn Đình Kim cũng được kết nạp vào Đội thiếu niên tiền phong Hồ chí Minh. Trong buổi lễ đó, tôi được anh Lâm Hòa Kháng, anh Đinh Hữu Túc, cùng vài anh chị trong đội công tác hướng dẫn các nghi lễ. Tôi vẫn còn nhớ mãi anh Lâm Hòa Kháng cứ dặn dò hai chung tôi: "Khi tuyên thệ các em nhớ là đọc lời tuyên thệ xong, thì hô xin thề 3 lần, nhưng nhớ là đọc nhỏ thôi, không thì địch trên núi Dinh có thể nghe được…". Kể từ đó, tôi được sinh hoạt trong tổ chức và được các anh chị trong đội công tác giao nhiệm vụ.
Cuộc “chuẩn bị” ở tuổi 12
Nhiệm vụ của tôi là cùng với anh Nguyễn Đình Kim, anh Hoàng Hưng (là đoàn viên của chi đoàn thuộc K12) là qua sinh hoạt hàng ngày, lân la tìm hiểu thông tin về tình hình địch và vẽ bản đồ nhà nào có người đi theo cách mạng, nhà nào có người đi lính cho ngụy, tình hình lính ở địa phương… Những thông tin đó, tôi báo lại cho chị tôi; để chị gửi thư thông báo tình hình cho các anh trong đội công tác. Những công việc đó phải thực hiện hết sức khó khăn, vì chúng tôi là con của gia đình có người theo cách mạng, nên bọn địch theo dõi sát sao. Và thế rồi, năm đó, anh Hoàng Hưng dẫn 3 người cùng lứa tuổi vào rừng học lớp cảm tình Đoàn. Trước khi về, anh Đinh Hữu Túc có nhờ anh Hoàng Hưng cầm đồng hồ hiệu Titoni của anh về đồng bằng sửa dùm. Không biết có phải vì thích chiếc đồng hồ ấy quá nên một người trong 3 người mà anh Hưng dẫn vào rừng đã nì nằn ba mình là lính ngụy mua chiếc đồng hồ tương tự…
Cuối cùng, chuyến đi đó bị bại lộ và anh Hưng bị bắt, giam ở nhà lao Chi khu Hoài Đức, lúc ấy anh chỉ khoảng 16-17 tuổi. Các anh trong đội công tác K12 đưa ra nhiều phương án để những người nhỏ như tôi có cách ứng phó, nếu như tình huống xấu nhất xảy ra. Tôi còn nhớ rất rõ nhận định của các anh rằng, anh Hưng gan dạ lắm, sẽ không khai ra đâu. Nhưng anh Hưng còn quá trẻ, có thể sẽ không chịu đựng nổi những đòn tra tấn dã man của địch, có thể sẽ khai. Nếu vậy, những người như tôi, ngộ nhỡ bị chúng bắt thì cứ khai là bị rủ đi chơi nhé, không biết gì nhé! Tôi gật đầu. Ở tuổi 12, tôi đã “chuẩn bị” như thế, sẵn sàng như thế bằng những suy nghĩ: rồi chúng không khai thác được gì sẽ thả ra thôi. Như mẹ vậy, bao lần mẹ đi rồi về với bao nhiêu vết thương trên người rồi có khi vết thương cũ chưa lành thì lại có thêm vết thương mới. Mẹ là phụ nữ, mẹ nhỏ người thế mà còn chịu được. Chắc anh Hưng không khai đâu...
Đúng như tôi thầm nghĩ, anh Hưng ở trong tù không những không khai mà còn thách thức bọn địch, khi lấy mẫu than viết lên bức tường nhà tù: “Dù tra tấn đến thế nào, Hoàng Hưng cũng không khai đâu”. Vì thế khi tin loan ra bên ngoài, các anh trong tổ công tác trào nước mắt, biết đó là dòng thông báo cùa anh Hưng, rằng anh Hưng lo các anh em ở bên ngoài đang nóng ruột, lo lắng. Dòng thông báo ấy của anh khiến địch điên tiết, chuyển anh lên nhà lao Bình Tuy. Khi Bình Tuy được giải phóng, anh quay về làm Xã đội trưởng xã Nghị Đức. Sau đó, theo gia đình về lại Long An rồi chiến tranh biên giới nổ ra, anh lại lên đường tham gia chiến đấu và hy sinh tại chiến trường Campuchia năm 1978. Bây giờ, viết những dòng này về anh, tôi thấm hơn câu thơ: “Có cái chết hóa thành bất tử...”.
Tiếp tục nhiệm vụ
Quay lại chuyện của tôi vào những ngày tháng sau khi không có anh Hưng. Tôi và anh Nguyễn Đinh Kim tiếp tục phối hợp nhau thực hiện nhiệm vụ tổ chức giao. Lần ấy, hai anh em được giao là phải chuyển được sách vở của một gia đình vào chiến khu, để đưa về vùng giải phóng. Nguyên do là những năm đó, ta có chủ trương móc nối để đưa người dân về vùng giải phóng sau hiệp định Pari năm 1973. Năm đó, mẹ tôi và cơ sở đã móc nối được gia đình bà Bốn Lợi là người ở cùng xóm. Bà có chồng là ông Lê Quang Tiến và người anh ruột Lê Quang Chí đều là bác sĩ phía cách mạng. Sau khi thuyết phục, gia đình bà đồng ý đi, nhưng muốn là làm sao mang theo được một ít sách vở của mấy người con. Vì vậy, tổ chức đã giao nhiệm vụ này cho tôi và anh Kim. Làm sao để đưa đống sách vở này qua chốt gác? Cuối cùng, chúng tôi nghĩ ra cách là bọc những sách vở trong túi ny lông, sau đó nhét vào giữa những bao phân heo rồi đứa thì thồ, đứa thì đẩy. Tới chốt gác, bọn lính chặn lại, nghi ngờ, cứ chọc vào những bao phân làm bốc mùi thúi um lên, chúng chịu hết nổi mới cho qua. Trận đó được mẹ và các anh chị trong đội công tác khen là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng giao. Sau này mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn mãi tự hào về những việc làm dũng cảm và không kém phần thông minh của mình thời niên thiếu.
Không chỉ được khen, có việc, tôi và anh Kim còn bị phê bình, vì nông nổi, vì không hỏi ý kiến cấp trên. Chả là, hai anh em bàn bạc nhau lấy cắp khẩu súng lục của ông xã trưởng. Ông này là ba của một người chơi trong nhóm bọn tôi, hàng ngày bọn tôi vẫn hay tụ tập chơi với nhau, để qua người này nắm thông tin về địch. Khi đến nhà ông này chơi, bọn tôi biết được vị trí khẩu súng ông ấy cất giấu, vì vậy không khó khăn để chúng tôi lấy khẩu súng đó. Khi lấy được rồi, hăm hở đưa ngay về cho các anh chị trong tổ công tác, ai ngờ, không những không được khen mà còn bị la cho một trận nên thân. Vì như vậy, dễ bị lộ, rất nguy hiểm cho tổ chức. Nghe xong, hai anh em sợ quá, tìm cách trả súng về chỗ cũ, mà khi trả về còn khó hơn nhiều lần khi lấy đi. Đúng là một bài học nhớ đời!
Kỳ 2: Hành trình vào vùng giải phóng