Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh cho biết, thực tế đòi hỏi cần có một hệ dữ liệu về an toàn giao thông cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác nhằm hỗ trợ đắc lực cho quá trình ra các quyết định quản lý về an toàn giao thông trên phạm vi toàn quốc. Những yêu cầu cơ bản đối với hệ thống là phải có số liệu kịp thời, đầy đủ, thống kê, phân tích các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây ra tai nạn giao thông, phản ánh đúng thực trạng bức tranh hiện nay, phục vụ cho quá trình ra quyết định của các cấp. Năm trụ cột trong an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam gồm: quản lý an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, con người và sau tai nạn giao thông.
Có nhiều cơ quan liên quan đến 5 trụ cột này và đều phải xây dựng các quy định pháp luật, trong đó có quy định về thông tin thống kê, chia sẻ dữ liệu.
Trong xu hướng chung, chuyển mạnh từ chỉ đạo điều hành dựa trên báo cáo sang mô hình chỉ đạo điều hành theo số liệu, thì việc xây dựng hệ dữ liệu về an toàn giao thông là rất cần thiết. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đang dự thảo quy chế báo cáo và hướng dẫn đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thiết kế hệ thống để có số liệu phục vụ công tác tham mưu chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương.
Lộ trình đặt ra là trong năm 2021 - 2022 hoàn thiện quy chế ở mức đơn giản, tập trung vào những nội dung các bộ, ngành đang có cho công tác an toàn giao thông. Giai đoạn tiếp theo sẽ thực hiện các quyết định có số, bổ sung các trường dữ liệu mới phục vụ công tác chỉ đạo điều hành an toàn giao thông của Chính phủ mà Ủy ban là cơ quan đầu mối.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin (Bộ Giao thông vận tải), mục tiêu chuyển đổi số ngành Giao thông vận tải đến năm 2025 là hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải. Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các ngành khác, phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác quản lý và nghiên cứu về an toàn giao thông.
Tầm nhìn đến năm 2030, giao thông vận tải là ngành tiên phong về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số toàn diện để thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành, ứng dụng công nghệ số và sử dụng dữ liệu số một cách sâu rộng trong toàn bộ các hoạt động quản lý để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, tiên tiến, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ nhân dân.
Trọng tâm của chương trình chuyển đổi số là ứng dụng dữ liệu sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, trong đó có quản lý về an toàn giao thông, đến năm 2025 phải hình thành được 4 bộ cơ sở dữ liệu trên. Hiện công tác số hóa dữ liệu kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường bộ đã cơ bản hoàn thành với 7.354 cầu đường bộ; tình trạng mặt đường của 24.598 km đường; 32 loại tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Bộ đang thực hiện số hóa các lĩnh vực khác, trong đó năm 2023 tập trung vào lĩnh vực đường sắt và đường thủy nội địa.
Trong quá trình số hóa, Bộ đặt mục tiêu thống kê được toàn bộ hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông, theo dõi được quá trình bảo trì và ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng kế hoạch bảo trì; theo dõi, thống kê lưu lượng giao thông để dự đoán kế hoạch bảo trì.
Đề cập đến công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của lực lượng Cảnh sát giao thông, Trung tá Vương Ngọc Bắc - Phó trưởng phòng tham mưu, Cục Cảnh sát giao thông cho hay, thời gian qua, Cục Cảnh sát giao thông đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các mặt công tác nghiệp vụ, đặc biệt là việc đưa các dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, triển khai hệ thống camera giám sát trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc và quốc lộ trọng điểm, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác, được các cấp lãnh đạo, các bộ, ngành đánh giá cao.
Hiện nay, Cục Cảnh sát giao thông đã có các hệ cơ sở dữ liệu như: cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm, đăng ký xe, tai nạn giao thông và giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông bằng hình ảnh. Các hệ thống đều được triển khai dưới dạng mô hình tập trung tại Trung ương (Cục Cảnh sát giao thông), Cảnh sát giao thông các cấp và Công an xã là đầu mối sử dụng, khai thác, thu thập thông tin để làm giàu cơ sở dữ liệu.
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Cục được đầu tư như hiện nay đã phát huy hiệu quả trong các mặt công tác, cơ bản đáp ứng được những bài toán nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông, thay thế các hình thức truyền, nhận thông tin, dữ liệu trước đây và bước đầu đã tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Giới thiệu về Hệ thống xử lý dữ liệu giám sát hành trình, theo đại diện Công ty Hanel, giải pháp giao thông thông minh của đơn vị này là giải pháp tổng thể về giao thông đầu tiên kết nối và quản lý toàn bộ cơ sở dữ liệu về các đối tượng thuộc hạ tầng giao thông và định vị, giám sát hành trình, phương tiện giao thông trên nền bản đồ số thống nhất.
Giải pháp điều tiết thông minh, hỗ trợ xử lý vi phạm, góp phần giảm vi phạm giao thông và tai nạn giao thông; hạn chế quá tải và hạn chế lượng xe luân chuyển trên đường nhằm tăng tuổi thọ cầu đường; kiểm soát được lưu lượng di chuyển của các đầu xe, hỗ trợ thu phí theo từng km di chuyển thực tế của xe.
Đã và đang được triển khai ở 63 tỉnh, thành phố, giải pháp phục vụ công tác quản lý vận tải và điều hành giao thông cục bộ tại địa phương; góp phần bảo vệ hạ tầng giao thông; hỗ trợ cung cấp dữ liệu thống kê, phân tích theo yêu cầu để xây dựng chính sách, đề xuất nâng cao chất lượng hạ tần giao thông vận tải. Giải pháp này áp dụng được với tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải, bến xe khách, các đơn vị cung cấp dịch vụ giám sát hành trình…
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng nêu những kiến nghị hữu ích nhằm cập nhật, chia sẻ dữ liệu thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn giao thông.