Theo Giáo sư Faisal Ahmed, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập năm 1967 và đã hoàn tất 50 năm hội nhập thành công năm 2017, tuy nhiên một số nước trong khu vực vẫn đang đối mặt với các thách thức về địa chính trị, công nghiệp hóa, các mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và việc làm... đặc biệt là trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0.
Giáo sư Faisal Ahmed cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên công nghệ số và trên thực tế, các nền kinh tế ASEAN đều có tiềm năng để thúc đẩy cuộc cách mạng số này và trở thành biểu tượng của kinh doanh và tạo công ăn việc làm.
Theo Giáo sư Faisal Ahmed, WEF ASEAN 2018 tập hợp các nhà hoạch định chính sách, các học giả, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các bên liên quan khác để thảo luận tìm ra các giải pháp mang tính thực tế cho các vấn đề có tầm quan trọng về xã hội và địa kinh tế mang tính cấp bách, trong một chương trình nghị sự rất phong phú.
Giáo sư Faisal Ahmed nhận định ASEAN tập hợp nhiều nước có các mức độ phát triển khác nhau, sự kiện WEF ASEAN 2018 có sự tham gia của nhiều bên nên có nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận. Các vấn đề như phát triển cơ sở hạ tầng về mặt vật lý, cơ sở hạ tầng số, thành phố thông minh, những lợi ích mang tính đòn bẩy cho khởi nghiệp, giảm bất bình đẳng, những thách thức về nhân khẩu học, xóa đói giảm nghèo, mối đe dọa chiến tranh thương mại và những căng thẳng địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng và phải được giải quyết.
Giáo sư Faisal Ahmed cho rằng các nước ASEAN cần tập trung thảo luận 3 vấn đề gồm: Căng thẳng địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vốn đang trở thành lực cản đối với phát triển bền vững; Chiến tranh thương mại đang khiến môi trường kinh doanh trở nên khó đoán định và tạo ra những hạn chế cho nhiều nước ASEAN; Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại các nước ASEAN để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Giáo sư Faisal Ahmed, WEF ASEAN 2018 sẽ khiến Việt Nam được quốc tế chú ý nhiều hơn và hình ảnh về Việt Nam sẽ được quảng bá tới khắp thế giới. Việt Nam có thể xây dựng lòng tin trên toàn cầu đối với việc mở rộng thị trường của mình, thu hút các luồng đầu tư và cải thiện các chỉ số kinh tế-xã hội khác.
Sự kiện này cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với khu vực ASEAN. Nếu sự kiện này đạt được một số kết quả thiết thực trong việc làm giảm những căng thẳng về bên cung cấp ở một số nước ASEAN, Ấn Độ có thể hưởng lợi từ điều này thông qua chính sách "Hành động hướng Đông" năng động của mình. Giáo sư Ahmed cho rằng với việc đăng cai WEF ASEAN 2018, Việt Nam đang đi đầu trong việc thúc đẩy văn hóa kinh doanh và trong những nỗ lực tạo việc làm trong và ngoài khu vực.
Giáo sư, Tiến sĩ Faisal Ahmed nghiên cứu và tham mưu về lĩnh vực thương mại và địa chính trị, hội nhập kinh tế, các vấn đề Tổ chức Thương mại Thế giới, hợp tác Nam - Nam. Ông cũng là chuyên gia nghiên cứu sâu về địa kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, có nhiều nghiên cứu đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế và là tác giả của nhiều cuốn sách về kinh tế.