Trưa 17/5, theo đề nghị của một số bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, Tiểu ban Điều trị COVID-19 do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban điều trị; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng tổ hội chẩn bệnh nhân nặng đã chủ trì buổi hội chẩn quốc gia bệnh nhân COVID-19 nặng, tại điểm cầu Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19.
Tham dự có các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh, Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang; Bệnh viện Đa khoa khu vực An Giang...
Báo cáo từ điểm cầu Bệnh viện đa khoa Bắc Ninh, đại diện bệnh viện cho biết hiện bệnh viện đang điều trị 46 ca F0, trong đó có một số ca bệnh nặng, 20 ca thở oxy.
Bệnh nhân 3513 (nam, 58 tuổi), ở xã Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh nhập viện trưa 16/5, chưa có bệnh lý đặc biệt. Từ 9/5, bệnh nhân xuất hiện đau họng, vào điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 Bắc Ninh (ở huyện Gia Bình). Ngày 11/5, bệnh nhân được phát hiện mắc COVID-19, bệnh nhân sốt cao, SpO2 89%, khó thở, thở gắng sức, chẩn đoán viêm phổi nặng suy hô hấp trên nền COVID-19, thở oxy. Đến 21 giờ bệnh nhân thở CPAP, ho nhiều, tức ngực.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng tổ hội chẩn, đánh giá theo tiêu chuẩn mức độ nặng, đây là bệnh nhân nặng, các bác sĩ ở Bắc Ninh phải làm thêm nhiều xét nghiệm chuyên khoa, siêu âm phổi, nhiễm trùng do SARS-CoV-2 tấn công không chỉ vào phổi.
Từ đầu cầu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện đánh giá, ca bệnh chưa quá nặng, hi vọng duy trì thở không xâm nhập, cần xem lại xét nghiệm đông máu.
Bệnh nhân 3760 (nữ, 67 tuổi), ở xã Nghĩa Đạo, Thuận Thành. Từ 11-13/5, bệnh nhân điều trị ở Trung tâm Y tế Thuận Thành, ngày 14/5 chuyển Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh với triệu chứng sốt, ho, nhưng diễn biến nặng rất nhanh. Bệnh nhân viêm phổi nặng, suy hô hấp trên nền tăng huyết áp, đái tháo đường, suy giáp, suy thượng thận.
Hiện bệnh nhân đang được chỉ định thở HFNC (oxy dòng cao), SpO2 tăng lên 92% sau khi xuống thấp ngày hôm qua. Bệnh nhân vẫn khó thở, thở gắng sức, mệt nhiều..
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình nhận định, tình trạng bệnh nhân rất nặng, với bệnh nhân cao tuổi có nhiều bệnh nền, suy giáp, tiểu đường, quá cân, nguy cơ tim phổi đặc biệt huyết khối tắc mạch của bệnh nhân rất cao.
Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nhận định bệnh nhân có nguy cơ liệt cơ, suy hô hấp cao nên phải nâng cao chỉ số hỗ trợ của HFNC (thở oxy dòng cao). Với các kết quả xét nghiệm mới nhất, các chuyên gia cho rằng bệnh nhân cần đặt ống nội khí quản, thở máy xâm nhập ngay vì nguy cơ nhiễm trùng và đông máu của bệnh nhân cao.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình cũng đặc biệt lưu ý Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh với 20 ca đang thở oxy, tuyệt đối không được đánh giá đây là bệnh nhân nhẹ. Mỗi bệnh nhân đều phải được quan tâm, đặc biệt là người lớn tuổi, bệnh lý nền có nhiều nguy cơ (tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, Bắc Ninh cần tập trung vào các bệnh nhân nặng. Hiện Bệnh viện đa khoa Bắc Ninh chưa làm được can thiệp ECMO, tuy nhiên, để điều trị những bệnh nhân nặng, Sở Y tế và lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh phải rất chủ động, lập danh sách những trường hợp có diễn biến xấu đề nghị hội chẩn.
Đối với bệnh nhân 2983 (nữ, 65 tuổi) ở Tân Phú, An Giang, dương tính với SAR-Cov2 ngày 3/5. Bệnh nhân có tiền sử tiểu đường và tăng huyết áp nhiều năm. Ngày 13/5, bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện đa khoa khu vực An Giang lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và hiện đang được chạy ECMO; điều trị an thần, giảm đau, giãn cơ, dinh dưỡng qua sonde và phòng ngừa loét dạ dày tá tràng, loét tì đè. Các chuyên gia đánh giá, đây là bệnh nhân rất nặng nên tiếp tục theo dõi sát các chỉ số.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê yêu cầu các bệnh viện đầu ngành về Hồi sức tích cực như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh... rà soát ngay năng lực hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực của các bệnh viện tuyến dưới trong hệ thống chỉ đạo tuyến của mình. Đồng thời, các bệnh viện phải có kế hoạch tập huấn chuyển giao kỹ thuật cao như lọc máu, ECMO để các cơ sở tự thực hiện với phương châm "4 tại chỗ".
Trong hơn 1.400 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại hơn 60 cơ sở y tế trong cả nước, có 71,6% bệnh nhân không có triệu chứng, 49 ca tiên lượng nặng, 4 ca nặng thở máy không xâm nhập, 32 ca nặng phải thở oxy, 16 ca nguy kịch với 2 ca phải chạy ECMO. Đặc biệt, có một ca tiên lượng tử vong (bệnh nhân 2983) ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.