Sau ngày giải phóng, do hậu quả của chiến tranh và một số nguyên nhân khác, nền kinh tế và đời sống vật chất của nhiều người dân Việt Nam gặp khó khăn. Tại Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức thực hiện chính sách Đổi mới. Trong khi đó, Đảng cũng tiếp thu ý kiến xác đáng của người dân. Nói một cách khác, Đảng đã đáp ứng những nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của người dân, vì thế, mấy chục năm gần đây, Việt Nam đã phát triển rất nhanh về tất cả mọi mặt.
Đây là đánh giá được Phó Giáo sư người Đức, ông Martin Grossheim, thuộc Khoa Lịch sử châu Á, Trường Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Seoul nhân Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ông Grosssheim cho biết đã đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1987, khi đó, Việt Nam còn rất nghèo, với tỷ lệ nghèo chiếm tới gần 60% dân số, và công cuộc Đổi mới chính thức bắt đầu từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 chưa có nhiều kết quả. Do đó, nếu so sánh Việt Nam cách đây 30 năm với Việt Nam hiện nay, thì nhiều lúc ông cảm giác đây là hai đất nước khác nhau. Hiện nay tỷ lệ nghèo giảm rất nhiều, dưới 10%, cuộc sống của người dân nói chung khá hơn rất nhiều so với những năm 1980. Ông nhấn mạnh điều này cho thấy Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện được một phần khẩu hiệu của thời kỳ đó là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh và dân chủ".
Ông Martin Grossheim đánh giá chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số kết quả tốt đẹp bằng việc xử một số vụ án tham nhũng lớn. Theo ông, thời gian tới, công tác này cần được chú trọng hơn nữa. Phó Giáo sư Grossheim đồng thời cho rằng trong quá trình thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam cần chú trọng phát triển kinh tế bền vững, cũng như phải đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long.