Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Moskva, chuyên gia Vershinina cho rằng, việc Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đích thân tham dự trực tiếp phiên thảo luận tại ĐHĐ LHQ cho thấy Việt Nam rất coi trọng diễn đàn này.
Theo chuyên gia Valeria Vershinina, bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nổi lên ba điểm đáng chú ý: Một là để đối phó hiệu quả với sự lây lan của đại dịch COVID-19, trước hết cần nỗ lực chung của tất cả các quốc gia, đặc biệt là trong vấn đề sản xuất vaccine và khả năng tiếp cận vaccine, bởi vì “chính vaccine sẽ cho phép thế giới vượt qua được tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay”. Thứ hai, lời kêu gọi của Chủ tịch nước Việt Nam về thúc đẩy hợp tác quốc tế để giải quyết “vấn đề COVID-19 không biên giới” là hoàn toàn hợp lý. Thứ ba, cách tiếp cận “biến thách thức thành cơ hội” cùng những đề xuất được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đưa ra cho thấy Việt Nam ứng xử có trách nhiệm đối với việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Theo chuyên gia Nga, Việt Nam là một thành viên quan trọng và tích cực của cộng đồng quốc tế. Các hoạt động của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an LHQ được đánh giá cao bởi tính đa dạng và hiệu quả. Nhờ những nỗ lực của Việt Nam, cuộc họp mở đầu tiên của LHQ với ASEAN đã được tổ chức với chủ đề “Hợp tác của LHQ với các tổ chức khu vực và tiểu vùng trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: Vai trò của ASEAN”. Chuyên gia Valeria Vershinina cho rằng Việt Nam đã làm tốt vai trò điều phối giữa một tổ chức khu vực và LHQ. Nói cách khác, Việt Nam đã là một thành viên giàu kinh nghiệm và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, có khả năng đề xuất và thực hiện các sáng kiến khác nhau nhằm giải quyết các thách thức và mối đe dọa toàn cầu, cũng như đưa ra các giải pháp có tính đến lợi ích của các bên.
Đánh giá về triển vọng hợp tác Việt – Nga trên các diễn đàn quốc tế, chuyên gia của Học viện Ngoại giao Moskva cho rằng quan điểm của hai nước Việt Nam và LB Nga trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế là song trùng. Hai nước duy trì đối thoại thường xuyên trên nhiều diễn đàn khác nhau, trong đó có LHQ, và điều quan trọng là cả hai quốc gia đều ủng hộ việc củng cố vai trò trung tâm và sự điều phối của LHQ trong các vấn đề quốc tế.