Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc đã phỏng vấn Tiến sĩ Kwak Sung-il, Giám đốc Vụ Chiến lược an ninh - kinh tế thuộc Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc, về triển vọng hợp tác song phương trong giai đoạn mới.
Nhận định về hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư, Tiến sĩ Kwak Sung-il cho rằng cả Hàn Quốc và Việt Nam đều phải đối mặt với những thay đổi trong môi trường kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, hai nước đều có cơ chế kinh tế dễ bị tổn thương trước những thay đổi của môi trường bên ngoài khi theo đuổi tăng trưởng kinh tế định hướng xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, nhiều mô hình kinh tế trước đây từng là động lực phát triển nay không còn phát huy tác dụng.
Theo Tiến sĩ Kwak Sung-il, các chuyển đổi cơ cấu kinh tế đang diễn ra nhanh theo xu hướng toàn cầu hóa, giảm thiểu carbon, chuyển đổi kỹ thuật số và suy giảm dân số. Vì vậy, cần tổ chức lại chiến lược tăng trưởng của mình sang những lĩnh vực, ngành nghề mới. Tiến sĩ cho rằng những lĩnh vực công nghiệp tương lai có thể hợp tác bao gồm lĩnh vực bán dẫn hay năng lượng sạch.
Để thu hút các ngành sử dụng công nghệ tiên tiến cao vào Việt Nam, Tiến sĩ Kwak Sung-il gợi ý Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chính sách và có các chiến lược về bảo hộ công nghệ vững chắc. Đặc biệt, việc bảo hộ công nghệ ngày càng trở nên quan trọng nhìn từ góc độ an ninh kinh tế. Tất cả các nước đều thực hiện các chính sách để bảo vệ công nghệ và vì thế, các hệ thống liên quan cũng cần thay đổi theo. Đối với các doanh nghiệp, nếu không có cơ chế bảo hộ quyền sở hữu công nghệ thì họ sẽ không dễ để đầu tư vào hoặc thực hiện các cam kết về chuyển giao công nghệ.
Nhân tố thứ hai, nguồn nhân lực luôn là yếu tố quyết định. Trong lĩnh vực công nghệ mới, nhu cầu ngày càng tăng về nhân lực tài năng, sáng tạo thay vì những lao động chỉ sử dụng sản xuất thông thường. Cần phải nỗ lực để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và vì thế lĩnh vực giáo dục đại học rất quan trọng.
Tiến sĩ Kwak Sung-il cho biết thương mại song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng với các mặt hàng cũng đang dần chuyển đổi sang có giá trị gia tăng cao. Xu hướng đầu tư cũng đi theo xu thế này vì vậy, ông tin tưởng rằng hai nước có thể đạt được mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 150 tỷ USD vào năm 2030. Đặc biệt, trong thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc, thực tế tỷ trọng các mặt hàng có giá trị gia tăng cao đã tăng đáng kể từ năm 2017. Hàn Quốc đã nhập các mặt hàng có giá trị gia tăng, hàng hóa trung gian từ Việt Nam, thay vì các mặt hàng có giá trị thấp như thực phẩm, đồ may mặc như trước đây. Với cơ cấu ngành hàng thay đổi như trên, có thể lạc quan hơn về việc mục tiêu đạt được mốc 150 tỷ USD.
Tiến sĩ Kwak Sung-il cho biết thêm rằng Hàn Quốc đánh giá cao tiềm năng hợp tác chuyển đổi xanh và kỹ thuật số giữa hai nước. Thương mại song phương đã được thúc đẩy nhờ cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, đến nay khi quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và kinh tế xanh diễn ra nhanh chóng, sự xuất hiện của các ngành công nghiệp mới sẽ làm thay đổi cơ cấu công nghiệp hiện tại, thay vì dựa vào các cơ cấu kinh tế bổ sung, hai bên phải hình thành một cấp độ hợp tác mới trong những lĩnh vực mà mình có tiềm năng. Ví dụ, Hàn Quốc tập trung cao cho quá trình sản xuất chất bán dẫn.
Trong giai đoạn xử lý hậu kỳ, Hàn Quốc đang thực hiện một số công việc, nhưng do chi phí nhân công cao nên Hàn Quốc sẽ cần các đối tác thực hiện công đoạn này. Tiến sĩ Kwak Sung-il nhấn mạnh không phải chỉ Hàn Quốc, mà Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác cũng quan tâm đến Việt Nam trong lĩnh vực này do Việt Nam có môi trường kinh doanh phù hợp và chi phí lao động tương đối thấp.
Tuy nhiên, vấn đề là cần phải có đủ nguồn nhân lực để phát triển các lĩnh vực công nghiệp này. Tiến sĩ Kwak Sung-il gợi ý Việt Nam cần nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực có thể đáp ứng yêu cầu. Trong lĩnh đào tạo nhân lực, Hàn Quốc rõ ràng có thế mạnh vì thế hai nước cần có những thảo luận sâu hơn về những vấn đề này và thúc đẩy hợp tác.
Theo Tiến sĩ Kwak Sung-il, cho đến nay, hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam luôn lấy kinh tế làm trọng tâm. Tuy nhiên, với việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, có nghĩa là giờ đây hai nước sẽ hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác, ngoài hợp tác kinh tế. Hợp tác văn hóa là một trong số đó. Tiến sĩ Kwak Sung-il cho rằng Hàn Quốc đã thành công trong việc phát triển lĩnh vực văn hóa và công nghiệp nội dung thành một lĩnh vực tiêu biểu. Theo ông, lý do Hàn Quốc có thể phát triển thành công ngành công nghiệp văn hóa là nhờ đã tận dụng tốt những câu chuyện lịch sử, trạng thái tâm lý và những trải nghiệm phong phú gắn với lịch sử phát triển của đất nước. Ông cho rằng Việt Nam cũng có lịch sử lâu đời như Hàn Quốc và có nền văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống và đa dạng. Nhưng điều còn thiếu là Việt Nam chưa có được kinh nghiệm để quốc tế hóa những trải nghiệm này. Vì vậy,
Tiến sĩ Kwak Sung-il khẳng định hai nước có thể hợp tác và đây là lĩnh vực tiềm năng. Hàn Quốc có nhiều công ty quốc tế trong lĩnh vực văn hóa. Tiến sĩ Kwak Sung-il bày tỏ tin rằng rằng kinh nghiệm và năng lực sáng tạo nội dung của Hàn Quốc nếu kết hợp với những nguồn tài nguyên về nhân lực, văn hóa của Việt Nam thì sẽ phát triển được một lĩnh vực văn hóa đặc sắc, mới mẻ.
Tiến sĩ Kwak Sung-il cho biết trong việc nuôi dưỡng và thu hút nhân tài, Hàn Quốc đã nỗ lực rất nhiều. Vào những năm 1970, để đưa những tài năng đã tốt nghiệp ở Mỹ trở về Hàn Quốc, chính phủ nước này đưa ra nhiều chính sách ưu đãi bao gồm cả cung cấp nhà ở, xe cộ. Tiến sĩ Kwak Sung-il đánh giá Việt Nam cũng là quốc gia dồn nhiều nguồn lực cho giáo dục trẻ em vì vậy, có nhiều tiềm năng về nguồn nhân lực. Điều Việt Nam cần làm là khuyến khích các sinh viên ra nước ngoài học tập trở về nước làm việc. Cùng với đó, cũng cần đưa ra các mô hình đào tạo phù hợp để có thể đào tạo trong nước mà vẫn đạt được tiêu chuẩn quốc tế với chi phí tiết kiệm hơn.
Thế giới đang đối mặt với tình trạng già hóa và suy giảm dân số. Vì vậy, cạnh tranh để thu hút nhân tài sẽ trở nên căng thẳng trên phạm vi toàn cầu. Bất cứ quốc gia nào, đặc biệt là các nước phát triển sẽ ngày càng đưa ra nhiều hơn các chính sách để thu hút và giữ chân các nhân lực chất lượng. Tiến sĩ Kwak Sung-il nhấn mạnh Việt Nam cần nhanh chóng tạo dựng môi trường cạnh tranh để có thể thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về nước trước khi cuộc cạnh tranh về nhân lực chính thức bắt đầu.