Có 16/34 bộ, cơ quan Trung ương không gửi Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Nhiều bộ ngành gửỉ chậm, thậm chí là không gửi Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gây ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Sáng nay 12/4, trình bày báo cáo thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí dẫn đến nhiều tháng đầu năm 2017 không có căn cứ cụ thể để triển khai thực hiện, ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Cụ thể, ngày 31/3/2017 Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Chương trình tổng thể về Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước từ tháng 5/2017 trở đi mới ban hành Chương trình.

Một số bộ ngành, địa phương cuối năm mới ban hành Chương trình như: Bộ Giáo dục & Đào tạo: 24/10/2017; Bộ Thông tin và Truyền thông: 29/8/2017; Thái Nguyên: 11/8/2017; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: 18/8/2017;… 

Bên cạnh đó, 16/34 bộ, cơ quan Trung ương, 17/63 tỉnh, thành phố; 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không gửi Chương trình cho Bộ Tài chính tổng hợp, theo dõi.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị không gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tổng kết, đánh giá. 

Cụ thể có: 4/34 bộ, cơ quan Trung ương, 12/63 tỉnh, thành phố; 13/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không gửi báo cáo.

Bên cạnh đó, nhiều báo cáo không nêu cụ thể số liệu, kết quả tiết kiệm chống lãng phí tại ngành, đơn vị mình cũng như tại các đơn vị được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.

Vì vậy, báo cáo của Chính phủ chủ yếu dựa vào kết quả của Thanh tra Bộ Tài chính, các cơ quan của Bộ Tài chính, không thể đánh giá được đầy đủ, toàn diện tình hình triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là các vi phạm, sai sót. 

“Thực trạng này thể hiện ý thức chưa nghiêm của một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc tuân thủ các quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập, thiếu sót trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.


Xuân Phong/Báo Tin tức
Vượt trên 57.000 biên chế thì ‘tiền đâu chịu nổi’
Vượt trên 57.000 biên chế thì ‘tiền đâu chịu nổi’

Năm 2017 phát hiện thừa biên chế 57.175 người trong khu vực nhà nước. Trong năm 2018 liệu có giải quyết dứt điểm số biên chế dôi dư này?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN