Sau phần làm việc tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về nội dung này.
Tăng nguồn lực, quyền chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách
Thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa và tình trạng gia tăng dân số cơ học nhanh đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội, gây nên tình trạng ô nhiễm, ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị và các vấn đề về an ninh trật tự xã hội.
Mặc dù, Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012, song trước yêu cầu phát triển mới đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính đặc thù, khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hà Nội.
Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội nêu rõ, mục tiêu, nguyên tắc xây dựng Nghị quyết dựa trên nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, phù hợp chủ trương định hướng của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, gắn với tăng cường trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội. Đồng thời, quá trình xây dựng Nghị quyết đảm bảo tinh thần thực hiện đầy đủ, công khai, minh bạch việc kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của Thành phố, giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù thí điểm đối với Thủ đô Hà Nội đặt trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, trên tinh thần Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội phát triển ngày càng văn minh, hiện đại.
Nghị quyết quy định cho thành phố Hà Nội được thí điểm một số cơ chế, chính sách về quản lý tài chính - ngân sách đặc thù thuộc thành phố quản lý, với các nội dung cơ bản về quản lý thu ngân sách nhà nước, quản lý chi ngân sách nhà nước và mức dư nợ vay, sử dụng Quỹ dự trữ tài chính. Ngoài ra, Điều 6 Nghị quyết còn quy định về điều khoản thi hành, trong đó quy định thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm và xác định rõ trách nhiệm của thành phố Hà Nội, Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết.
Theo Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành với các lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội nhằm góp phần tăng nguồn lực, quyền chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu theo các Kết luận của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về tiếp tục bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phù hợp mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô trong điều kiện mới. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc ban hành Nghị quyết cần đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012.
Cân đối phù hợp với tình hình và khả năng của ngân sách nhà nước
Thảo luận tại tổ về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho Hà Nội, nhằm tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển mạnh hơn: như thêm danh mục thuế, lệ phí ngoài luật phí và lệ phí đã có; tăng mức, tỷ lệ thu phí, lệ phí ngoài quy định của luật; khi thu phí tăng lên, ngân sách thành phố được hưởng 100% phí tăng thêm; Hội đồng nhân dân Thành phố được quyền quyết định các loại phí, lệ phí…
Mục đích của việc trao các cơ chế, chính sách đặc thù này cho Hà Nội là nhằm tăng nguồn tiền cho đầu tư phát triển. Tán thành với nội dung này, song đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng, nhân dân phải được tham gia vào quá trình giám sát, phải được hỏi ý kiến trước các quyết định của Nhà nước. Đặc biệt, cần tham khảo ý kiến người dân trước các quyết định về cơ chế, chính sách có tác động trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp như thẩm quyền quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí…
Theo đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận), dự thảo Nghị quyết còn một số nội dung cần được làm rõ thêm, điển hình như nội dung về quản lý thu ngân sách. Đại biểu Nguyễn Bắc Việt cho biết, đối với cơ chế tăng tỷ lệ thu phí đối với các loại phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định, nội dung này sẽ làm tăng nguồn thu cho ngân sách cho nhà nước nhưng lại đi ngược kế sách "lấy khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc". “Hà Nội đang có điều kiện, nếu các đồng chí xin là có cơ chế, chính sách để chi cho đầu tư, phát triển, tôi đồng tình; còn nếu xin cơ chế, chính sách để tăng thu, cần phải xem lại”, đại biểu kiến nghị.
Bày tỏ sự đồng tình với Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, đây là điều kiện để Hà Nội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ông Sơn cho rằng, việc áp dụng cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù vừa phát huy được thế mạnh của địa bàn, vừa tạo sự chủ động cho địa phương. Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn, thí điểm cơ chế đặc thù đối với Hà Nội có thể coi là cách tiếp cận mới: "Thực sự nhiều tỉnh năng động người ta cũng muốn bung ra lắm, nhưng mà luật chúng ta cũng rất khép chặt. Khép chặt có cái đúng là để quản lý, nhưng phải tạo cơ hội để khơi dậy, phát huy được tiềm năng nguồn lực của mỗi địa phương".
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước có nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều ý kiến đề nghị nguyên tắc xây dựng Nghị quyết cần thể chế hóa để phù hợp với tình hình và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, nhu cầu thực tiễn phát triển của thành phố Hà Nội và bám sát quan điểm của Đảng, Nhà nước về mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Thành phố, đồng thời không gây ảnh hưởng lớn đến cân đối vĩ mô, thực hiện vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp.