Ngày 18/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam tổ chức phiên họp giải trình về Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm cung cấp thông tin cập nhật về Cộng đồng ASEAN, tình hình triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN, giải đáp về khó khăn, thuận lợi của Việt Nam khi tham gia Cộng đồng ASEAN.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng nhấn mạnh, năm 2015 là dấu mốc quan trọng khi ASEAN sẽ hoàn thành xây dựng Cộng đồng vào ngày 31/12/2015, với ba trụ cột chính là Chính trị - An ninh, Kinh tế, Văn hóa - Xã hội. Với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ và phương châm hội nhập quốc tế “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam đã tham gia đầy đủ, sâu rộng và có nhiều sáng kiến, đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN.
Góp phần duy trì hòa bình và ổn định
Giải đáp những băn khoăn của các đại biểu về cơ hội và thách thức khi tham gia vào Cộng đồng ASEAN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh: Tham gia ASEAN đã mang lại cho Việt Nam những lợi ích quan trọng và thiết thực, mà bao trùm là góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như triển khai chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa đa phương hóa, hội nhập khu vực và quốc tế của Đảng và Nhà nước.
Về Chính trị - An ninh, tham gia ASEAN đã giúp Việt Nam tạo dựng mối quan hệ mới về chất giữa các nước Đông Nam Á theo chiều hướng hữu nghị, ổn định, lâu dài và hợp tác toàn diện ngày càng chặt chẽ cả về đa phương và song phương cũng như trong quan hệ giữa các Đảng cầm quyền, Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Việt Nam có thể xác định lập trường phù hợp và phối hợp lập trường với các nước ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế phức tạp; hỗ trợ đáng kể cho ta trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông. Tham gia hợp tác ASEAN đã tạo những điều kiện thuận lợi cho Việt Nam nâng cao vị thế, mở rộng và tăng cường quan hệ song phương với các nước ASEAN cũng như các đối tác của ASEAN; tạo thế cho Việt Nam trong quan hệ với các đối tác bên ngoài cũng như trong việc xử lý nhiều vấn đề khu vực và quốc tế; giúp Việt Nam có nhiều kinh nghiệm để tham gia các hợp tác liên kết khu vực rộng lớn hơn.
Mở rộng thị trường nội khối
Về kinh tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành sẽ mang lại những cơ hội to lớn cho các nước thành viên ASEAN, trước hết đó là cơ hội mở rộng thị trường trong nội khối với khu vực kinh tế hơn 600 triệu dân và GDP hàng năm đạt gần 3.000 tỷ USD. Hàng rào thuế quan được loại bỏ, các hàng rào phi thuế được cắt giảm sẽ giúp hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động lưu chuyển thông thoáng hơn, tạo tiền đề nâng cao sức mạnh kinh tế của khu vực ASEAN.
Thị trường khu vực được liên kết là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện nay, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu). Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường rộng lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Việt Nam phát huy tiềm năng và lợi thế phát triển như dịch vụ du lịch, vận tải hàng không, đồng thời tạo thêm cơ hội để các doanh nghiệp có năng lực đẩy mạnh đầu tư ra các nước ASEAN. Các doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ năng từ các nước ASEAN để bổ sung vào nguồn lực có sẵn, khắc phục tình trạng thiếu lao động trình độ cao hiện nay.
Trao đổi về những thách thức đối với nền kinh tế và doanh nghiệp nội địa, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, thách thức về khả năng hoàn thành các biện pháp, khả năng thực hiện cam kết của các nước theo Kế hoạch tổng thể Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN; nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Các nước thành viên mới, bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh cao hơn từ hàng hóa ASEAN sau 2015...