COC phải là công cụ hiệu quả cho hòa bình, an ninh, ổn định Biển Đông

Ngày 30/6/2012, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả cuộc họp tại Hà Nội trong tuần qua giữa các quan chức cấp cao ASEAN (SOM ASEAN) nhằm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Báo Tin tức trân trọng giới thiệu nội dung phỏng vấn này.

  

Phóng viên: Trước hết, xin Thứ trưởng cho biết vì sao lại cần Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)?

 

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Như chúng ta đều biết, Biển Đông là khu vực rất quan trọng về địa chiến lược, an ninh và kinh tế, có các tuyến hàng hải chiến lược, huyết mạch đối với khu vực và thế giới. Trong khi đó, ở Biển Đông cũng đang tồn tại những tranh chấp phức tạp về chủ quyền lãnh thổ. Yêu cầu chung là phải ngăn ngừa không để tranh chấp leo thang và bảo đảm được hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.

 

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh.

Vì mục tiêu đó, cách đây mười năm (2002), ASEAN và Trung Quốc đã ký kết một văn kiện hết sức quan trọng, đó là bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Mười năm qua, Tuyên bố DOC không chỉ phản ánh cam kết chung của các bên đối với hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và hợp tác xây dựng lòng tin ở Biển Đông, mà thực sự đã tạo ra khuôn khổ quy định hành vi ứng xử của các các bên, trong đó quan trọng nhất là việc các bên phải ứng xử dựa trên các nguyên tắc về tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

 

Tuy nhiên trong mười năm qua, Biển Đông vẫn phải chứng kiến không ít những diễn biến phức tạp, nguy cơ đe dọa đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Điều này đỏi hỏi khu vực phải xây dựng một công cụ có thể bảo đảm hữu hiệu hơn các mục tiêu chung nêu trên – đó chính là Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

 

Xuất phát từ mục đích đó và thể hiện vai trò chủ đạo của ASEAN đối với hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, từ tháng 11/2011, Lãnh đạo các nước ASEAN đã quyết định tiến hành tham vấn nội bộ ASEAN về Bộ quy tắc COC, làm cơ sở để sau đó trao đổi giữa ASEAN và Trung Quốc. Triển khai quyết định này, SOM ASEAN đã chỉ đạo Nhóm công tác của mình xây dựng Tài liệu quan điểm của ASEAN về các thành tố chính cần có của COC. Nhóm công tác đã phải trải qua 7 vòng tham vấn.

 

Tuy triển khai công việc rất khẩn trương và tích cực, nhưng phải đến Cuộc họp tại Hà Nội vừa qua, từ 24-25/6/2012, thì SOM ASEAN mới có thể đạt nhất trí và hoàn tất được Tài liệu trên để trình các Bộ trưởng Ngoại giao quyết định khởi động đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc vào thời gian tới. Với vai trò là nước điều phối, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và xây dựng trong suốt quá trình tham vấn vừa qua trong ASEAN, đặc biệt là tại cuộc họp SOM ASEAN vừa qua tại Hà Nội, đưa đến việc ASEAN hoàn tất được văn bản nêu trên, được bạn bè đánh giá cao.

 

Phóng viên: Vậy ASEAN đã chủ trương như thế nào để COC có thể là một công cụ đóng góp hữu hiệu hơn cho hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông?

 

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Trong trao đổi về các thành tố cơ bản của COC, ASEAN đã thể hiện rõ chủ trương mong muốn COC sẽ phải là một công cụ đóng góp hiệu quả hơn cho hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Theo đó, cách tiếp cận chung của ASEAN là COC cần phải dựa trên và nhân lên cao hơn từ DOC. Cụ thể, có thể tóm tắt quan điểm chung ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong tương lai cần phải có những điểm chính như sau:

 

-         Quy định nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS), Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố DOC…

-         Quy định mục tiêu của COC là nhằm tạo ra khuôn khổ dựa trên quy định luật pháp để điều chỉnh hành vi của các bên ở Biển Đông theo những nguyên tắc trên.  

-         Quy định về các nghĩa vụ và hành vi ứng xử của các bên ở Biển Đông: Trước hết, đó là phải vì mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, thúc đẩy hợp tác xây dựng lòng tin, ngăn ngừa tranh chấp leo thang và giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển. Đồng thời, nhấn mạnh việc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển theo Công ước Luật biển 1982.

-         Quy định cơ chế bảo đảm thực hiện COC, trong đó có việc thiết lập cơ chế giám sát và bảo đảm thực hiện COC, xây dựng các cơ chế xử lý vi phạm COC và bảo đảm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển, TAC.

 

Theo quan điểm của ASEAN, COC vừa phải kế thừa những điểm tích cực của DOC, vừa phải được nâng cao thêm trên cơ sở tổng kết mười năm thực hiện DOC và nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

 

Như vậy, cùng với việc nhấn mạnh những nguyên tắc tích cực đã có trong DOC (hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển), ASEAN mong muốn Bộ quy tắc COC phải có tính cam kết và ràng buộc cao hơn DOC, phải có cơ chế giám sát và bảo đảm thực hiện, và đặc biệt là bổ sung quy định nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa của các quốc gia ven biển theo Công ước của LHQ về Luật biển 1982.

 

Phóng viên:Sắp tới, ASEAN sẽ tiến hành thương lượng với Trung Quốc về COC, vậy dự kiến quá trình tham vấn này sẽ diễn ra như thế nào, bao giờ sẽ hoàn tất được COC?

 

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Như trên đã nêu, dự kiến SOM ASEAN sẽ trình các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN phê duyệt và đề nghị khởi động tham vấn ASEAN-Trung Quốc về COC. Tài liệu của ASEAN về các thành tố chính của COC nêu trên sẽ là cơ sở để ASEAN trao đổi quan điểm của mình với Trung Quốc. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, đây mới là quan điểm từ phía ASEAN. Do đó, ASEAN còn phải thương lượng cụ thể với phía Trung Quốc và quá trình này sẽ không phải dễ dàng vì quan điểm khác biệt của các bên.

 

Chúng tôi cho rằng, nếu tất cả đều xuất phát từ mong muốn vì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, thì cần phải ủng hộ quan điểm của ASEAN là phải xây dựng Bộ quy tắc COC thành một công cụ đóng góp hiệu quả cho các mục tiêu chung nêu trên và COC không chỉ kế thừa những điểm tích cực của DOC, mà còn phải được nâng cao thêm như ASEAN đề nghị, trên cơ sở tổng kết mười năm thực hiện DOC và nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

 

Phóng viên: xin cảm ơn Thứ trưởng!

Học giả quốc tế: Các lô dầu khí CNOOC mời thầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Học giả quốc tế: Các lô dầu khí CNOOC mời thầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Tại cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông được tổ chức tại thủ đô Washington, một số học giả quốc tế đã khẳng định rằng các lô dầu khí mà Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò, khai thác tại Biển Đông đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN