Ông Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Bộ Tài Nguyên và Môi trường). |
Đó là chia sẻ của ông Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) về công tác dự báo khí tượng, thời tiết trong thời gian tới.
Xin ông cho biết, mùa thiên tai năm nay được dự báo có hiện tượng gì bất thường không?Từ thực tế mùa thiên tai năm nay cho thấy, tháng 6 có mưa không phải là điều bất thường, vì thông thường mùa bão lũ, thiên tai bắt đầu từ nửa cuối tháng 5, các tỉnh Nam Bộ, Tây nguyên cũng bắt đầu vào mùa mưa.
Tuy nhiên, năm nay có đặc biệt là ngay sau mưa lũ lại xuất hiện đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài và cường độ mạnh, có nhiều địa phương nhiệt độ lên tới 40 – 41 độ C. Do vậy, điều đặc biệt là liên tiếp xảy ra các hình thái thiên tai, lũ lụt, lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc và sau đó là nắng nóng gay gắt từ Bắc Bộ tới Trung Bộ.
Đầu tháng 7, các tỉnh phía Bắc đã đón một đợt nắng nóng gay gắt, trong thời gian còn lại của mùa hè có xuất hiện thêm những đợt nắng nóng như thế này không và cường độ như thế nào thưa ông? Theo nhận định của chúng tôi, đợt nắng nóng vừa qua là đợt nắng nóng gay gắt nhất trong năm 2018 của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội.
Còn đối với các tỉnh ven biển Trung Bộ, trong những tháng còn lại của mùa hè sẽ xuất hiện thêm 1 - 2 đợt nắng nóng nữa có cường độ tương đương vì hiện tại chưa phải là cao điểm của mùa nắng nóng. Tuy nhiên, thời gian nắng nóng có thể ngắn hơn, vì trong các tháng tới mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là mưa dông về buổi chiều nên thời gian nắng nóng sẽ ngắn hơn.
Trong thời gian qua, mưa lớn lên tới 600 mm đã xuất hiện ở Lai Châu gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Xin ông cho biết, công tác dự báo trong những tháng cuối năm cần lưu ý điều gì?
Việc dự báo các hiện tượng mưa lớn cục bộ khó hơn các hiện tượng thiên tai xảy ra trên diện rộng. Ví dụ dự báo bão có thể nhìn thấy rõ ràng hơn và có thể dự báo trước được. Do vậy, các thiên tai liên quan tới mưa lớn thường bất ngờ và khó dự báo, khó ứng phó nên cần cảnh giác với các hiện tượng mưa cục bộ, trong thời gian ngắn và trong diện diện hẹp.
Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề ở Lai Châu. Ảnh: TTXVN |
Về dự báo mưa, xin ông cho biết sẽ còn khoảng bao nhiêu đợt mưa lũ lớn xảy ra như ở Lai Châu trong thời gian qua?Hiện nay mới chỉ bắt đầu mùa mưa, do vậy sẽ còn rất nhiều đợt mưa nữa. Đặc biệt, các tỉnh Bắc Bộ cần đề phòng các cơn bảo ảnh hưởng tới đất liền. Còn các tỉnh Trung Bộ, cao điểm mùa mưa là vào tháng 10 và tháng 11 khi có bão kết hợp với không khí lạnh, hoặc có nhiễu động từ biển vào.
Đầu tháng 7 mới chỉ là giai đoạn bắt đầu vào mùa thiên tai, mưa bão nên số lượng các đợt mưa và các cơn bão còn tương đối nhiều. Cụ thể, sẽ có khoảng 8 – 10 cơn bão hoạt động trên khu vực biển Đông, trong số đó có 4 – 5 cơn sẽ ảnh hưởng vào đất liền.
Số lượng các cơn bão từ nay đến cuối năm 2018 sẽ ít hơn khi so với năm 2016 và 2017. Thay vào đó, các cơn bão sẽ tập trung vào giữa mùa mưa bão. Như cuối năm 2017, tới tháng 12 vẫn còn dồn dập các cơn bão đổ bộ. Năm nay, có thể các cơn bão sẽ tập trung chủ yếu trong tháng 9 và tháng 10.
Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Nam Bộ liệu có xuất hiện gay gắt trong năm nay không thưa ông?Theo dự báo, hiện tượng Enso có thể chuyển sang hiện tượng El nino, thời tiết sẽ khô và ít mưa ở khu vực miền Nam. Do vậy, hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Nam Trung Bộ trong năm 2018 sẽ gay gắt hơn năm 2017. Giai đoạn bắt đầu sẽ là tháng 12/2018 và khả năng sẽ gay gắt nhất vào giai đoạn tháng 1 – tháng 3 đầu năm 2019.
Xin trân trọng cảm ơn ông!