Chiều 1/6, giá xăng tiếp tục tăng lên mức trên 31.000 đồng/lít. Cùng với các đợt tăng trước đó, lần tăng giá này tiếp tục khiến người dân không khỏi lo lắng, bởi giá hàng hóa trong những ngày tới có thể sẽ tăng theo giá xăng dầu, kéo theo nguy cơ lạm phát cao nếu không được kiểm soát tốt.
Bên lề Quốc hội, phóng viên báo Tin tức có trao đổi với đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH Hà Nội) về vấn đề này.
Thưa ông, giá xăng trong nước tiếp tục tăng theo đà thế giới, điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại sẽ kéo theo nguy cơ lạm phát. Theo ông, với cơ quan quản lý nhà nước còn dư địa nào để kìm hãm đà tăng giá xăng dầu?
Giá xăng dầu trong nước tăng chủ yếu do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh. Khi giá xăng dầu tăng thì đối tượng chịu tác động lớn nhất là người dân và cả nền kinh tế. Chắc chắn phải làm thế nào đó để hạn chế tăng giá xăng dầu, thực hiện bình ổn giá xăng dầu. Điều đó không chỉ mang lại ổn định đời sống cho người dân mà còn thực hiện được vai trò điều hành vĩ mô của nhà nước. Tôi cho rằng đó là nhiệm vụ đặt ra, là bài toán mà Chính phủ phải tính đến.
Về dư địa giảm giá xăng dầu, rõ ràng nguyên liệu nhập khẩu vào cao thì đội giá thành lên nên chúng ta chỉ còn một cách là cắt giảm bớt phần thu như thuế phí. Khi xăng còn tăng giá thì đó là dư địa để chúng ta tiếp tục giảm các loại thuế. Mặc dù ngay lúc này, việc giảm các loại thuế cùng các chính sách miễn, hoãn, giảm các loại đóng góp sẽ ảnh hưởng nguồn thu ngân sách, nhưng chúng ta chấp nhận chuyện ảnh hưởng nguồn thu ngân sách. Nhưng chấp nhận giảm nguồn thu ngân sách để bình ổn giá thì mang lại ý nghĩa cao hơn.
Có nhiều ý kiến về việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Có 2 điểm chúng ta phải chú ý, thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế để điều tiết hành vi để người ta lựa chọn xem tiếp tục tiêu thụ nhiều hay lựa chọn cái khác. Trong bối cảnh chúng ta có được khả năng lựa chọn thì thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có tác dụng tốt. Ví dụ như giữa tiêu dùng xăng sinh học và xăng khác thì thuế tiêu thụ đặc biệt khác nhau nên chúng ta phải tính đến có thể điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt vì xăng dầu bây giờ không phải là mặt hàng xa xỉ nữa. Tuy nhiên phải tính làm sao vẫn có điều tiết hành vi tiêu dùng để lựa chọn.
Thuế bảo vệ môi trường đang tính chung trên các loại xăng dầu thì có thể là yếu tố để chúng ta điều chỉnh để mỗi yếu tố đầu vào giảm đi sẽ cho giá bán ra giảm.
Sâu xa hơn, việc điều chỉnh xăng dầu không chỉ ở vấn đề giá mà cả ở nguồn cung xăng dầu, ông nhận định như thế nào về cơ cấu và kịch bản điều hành dự báo của liên Bộ Công Thương – Tài chính?
Nguồn cung là căn cứ quan trọng nhất để chúng ta không bị biến động gấp khúc. Nguồn cung của chúng ta có 2 nguồn: Thứ nhất, bản thân Việt Nam là nước khai thác dầu khí. Chúng ta cũng có các nhà máy lọc hoá dầu nên trong bối cảnh hiện nay khi giá xăng dầu tăng thì chúng ta phải tăng cường khai thác và các nhà máy lọc hoá dầu phải hoạt động hết công suất. Tôi cho rằng đó là điều cần thiết. Nếu chúng ta làm được điều này thì hiệu quả của khai thác dầu lúc này hiệu quả tăng lên gấp nhiều lần so với khi giá xăng dầu thấp. Chúng ta chủ động được nguồn cung và không phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới nhập khẩu và như vậy, biến động về giá trong nước ít hơn.
Thứ hai, việc dự trữ xăng dầu rất cần được chú ý đến, đây là căn cứ để bình ổn nguồn cung. Chúng ta hiện nay dự trữ xăng dầu là các công ty kinh doanh có phần dự trữ bắt buộc và dự trữ quốc gia. Với 2 nguồn dự trữ này chỉ đảm bảo không đứt gãy nguồn cung thôi. Chúng ta phải phấn đấu cao hơn nữa về dự trữ để phòng ngừa rủi ro về giá. Những công ty kinh doanh xăng dầu lớn thế giới người ta có thể thực hiện giải pháp mua, bán hợp đồng bán trước, tức là trả tiền trước và bán theo giá nhất định. Cái đó không phải nhà nước đứng ra làm mà đòi hỏi các tập đoàn, kinh doanh xăng dầu nghĩ đến kinh doanh thông qua hợp đồng ứng trước để có dự trữ phòng ngừa rủi ro khi có biến động về giá.
Trân trọng cảm ơn ông!