Nhiều tháng qua, dọc theo suối Đắk Blô, dưới cầu treo thôn Pen Sal Pen thuộc xã Đắk Pét, huyện Đăk Glei (Kon Tum) mỗi ngày có hàng trăm người cùng nhiều máy móc, thiết bị đào đãi vàng trái phép. Cơn lốc đào đãi vàng quét qua tất cả các buôn làng mà con suối này chảy qua. Từ người già, đến trẻ, từ phụ nữ đến học sinh đều bị cuốn vào cơn lốc này.
Có mặt tại xã Đắk Pét - điểm nóng nhất của tình trạng đào đãi vàng trái phép của huyện, vừa tới đầu làng Pen Sal Pen, âm thanh đầu tiên mà chúng tôi nghe được là hàng loạt tiếng máy nổ phát ra làm náo động cả không gian yên tĩnh. Tại đây, ước tính có khoảng 20 máy hút, cùng gần chục “hầm” vàng lộ thiên. Theo quan sát mỗi hố do một nhóm khoảng 5-10 người phụ trách đào đãi.
Theo người dân nơi đây, mỗi ngày nếu chịu khó thì mỗi người cũng kiếm được cả trăm nghìn đồng. Theo ông Nguyễn Phúc Phận, Chủ tịch UBND huyện, qua khảo sát, cả huyện có 6 xã có vàng sa khoáng vì vậy tình trạng đào đãi vàng có ở khắp nơi. Bên cạnh đó, thông tin về việc nhóm này, nhóm kia trúng cả lượng vàng mỗi ngày đã khiến cho thanh niên trai tráng trong làng Pen Sal Pen, Đắk Đoát bỏ cả ruộng nương, ngày ngày trầm mình xuống dòng suối để tìm vàng với mong ước đổi đời.
Từ khi người dân biết có vàng thì cả khu vực nơi đây rúng động. Rẫy, vườn ít ai chăm. Ban đầu người dân trầm mình xuống suối đào, đãi. Sau này diện tích cứ mở rộng dần vào bờ vì vậy cả 2 bờ suối giờ cũng thành điểm khai thác vàng. Mọi người đào bới khắp nơi, hết bờ lại đến ruộng. Dọc lên phía trên cầu Đắk Đoát, tất cả ruộng lúa đều bị lấn vào. Bên trên là bờ ruộng lúa gần đến ngày gặt, dưới bờ ruộng là những hố vàng sâu vài mét. Qua tìm hiểu, ngay cả Công ty TNHH Kim Sơn Thủy - đơn vị được tỉnh cho phép tận thu khai thác khoáng sản (vàng sa khoáng) trên địa bàn cũng đã tiến hành thuê đất đãi vàng ở quanh dòng suối với giá từ 200-500 triệu đồng/ha/1 năm.
Bên cạnh đó, các hố vàng cũng đã vây quanh sau lưng trường Tiểu học Võ Thị Sáu và bắt đầu lấn dần vào chân tường để hình thành các hố “tử thần” rất rộng và sâu. Thầy Trần Xuân Ninh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chỉ 1 đoạn 200m mà có 20 máy nổ, 10 máng đãi hoạt động liên tục cả ngày đêm, rất ồn ào, ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học. Người ta không chỉ làm ở suối mà lấn vào cả bờ tường của nhà trường gây sạt lở đất, thay đổi dòng chảy. Nhà trường đã bờ kè đề chống sạt lở nhưng việc đãi vàng tái diễn sẽ gây nguy hiểm cho trường.
Qua quan sát có thể khẳng định việc khai thác vàng sa khoáng trái phép ở Đăk Glei khác với mọi năm, đào đãi vàng đã được “hiện đại hóa” gần như tất cả các khâu và “nhân dân địa phương kết hợp với một số người vùng khác đến lén khai thác trái phép”. Khi được hỏi, hầu như ai cũng có câu trả lời chung là máy do mọi người trong làng góp tiền mua. Một chiến sỹ công an tỉnh tăng cường về địa phương nắm tình hình cho biết, đa phần người trực tiếp khai thác là dân địa phương nhưng lại có người đứng đằng sau điều khiển. Chính các đối tượng này mới là "vàng tặc". Chúng thuê nhà ở trong dân, thuê đất của dân sau đó đưa phương tiện, máy móc và thuê nhân công khoảng 100-150 nghìn/người/ngày. Chính vì vậy, bãi vàng tuy rất náo nhiệt nhưng tuyệt nhiên không có tình trạng tranh giành địa bàn. Theo tìm hiểu được biết, ngoài đối tượng ở ngoài tỉnh thì trong huyện cũng có một số người cũng đứng đằng sau xúi dân làm bậy. Bên cạnh việc đầu tư máy móc hoặc ứng vốn, chúng còn tổ chức thu mua vàng cho dân nên rất khó phát hiện.
Báo cáo tình hình với UBND tỉnh và các Sở, ban, ngành có liên quan về thực trạng đào đãi vàng, ông Nguyễn Phúc Phận - Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết: "Tình trạng đào đãi vàng trái phép trên địa bàn huyện gần đây hết sức phức tạp, xảy ra trên diện rộng, quy mô ngày càng lớn”. Trước thực trạng trên, UBND huyện Đắk Glei đề nghị tỉnh hỗ trợ lực lượng để truy quét, xử lý, đưa những người khai thác vàng trái phép ra khỏi địa bàn.
Hoàng Cao Nguyên