Công an nhân dân - Nòng cốt trên tuyến đầu phòng, chống dịch

Chiều 11/10, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác công an trong phòng, chống dịch COVID-19. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.

Chú thích ảnh
 Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Dự Hội nghị tại các điểm cầu có các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Bộ Y tế; lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương...

Tại Hội nghị, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an trình bày Báo cáo kết quả công tác công an trong phòng, chống dịch COVID-19. Báo cáo nêu rõ: Từ đầu năm 2021 đến nay, đặc biệt là trước đợt dịch thứ 4, lực lượng Công an nhân dân đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt, quan trọng trên tuyến đầu phòng, chống, đẩy lùi dịch COVID-19. Những kết quả đạt được của lực lượng Công an nhân dân đã góp phần quan trọng cùng cả hệ thống chính trị cơ bản đến nay kiểm soát được dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc.

Theo đó, Bộ Công an đã ban hành nhiều kế hoạch, phương án về đảm bảo an ninh, trật tự. Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường chủ động dự báo tình hình, trao đổi, phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện thống nhất, hiệu quả, toàn diện các mặt công tác công an kết hợp các giải pháp phòng, chống dịch. Bộ Công an đã sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước giao và các nguồn lực sẵn có, tại chỗ, tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch; chủ động công tác hậu cần, trang cấp kịp thời phương tiện, thiết bị cho Công an các đơn vị, địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân.

Bộ Công an là một trong số các cơ quan đầu tiên thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương phòng, chống dịch tại phía Nam do Thứ trưởng Bộ Công an làm Chỉ huy trưởng, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch của Công an các đơn vị, địa phương phía Nam; qua đó, đã thiết lập được cơ chế chỉ đạo, chỉ huy thống nhất; huy động và điều phối có hiệu quả các lực lượng, các nguồn lực của Bộ và Công an địa phương trong phòng, chống dịch bệnh; nhất là tại các địa bàn dịch diễn biến đặc biệt phức tạp.

Bộ Công an đã phát động phong trào thi đua đặc biệt “Lực lượng Công an nhân dân - Lá chắn phòng, chống dịch COVID-19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội” với phương châm “Kiên định bản lĩnh chính trị Người chiến sĩ Công an nhân dân, triệu trái tim, một ý chí, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”.

Chỉ riêng trong đợt dịch thứ 4 đến nay, lực lượng Công an nhân dân đã huy động trên 100.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia ở hầu hết các hoạt động phòng, chống dịch; điều động gần 9.000 cán bộ, chiến sĩ từ phía Bắc tăng cường cho Công an các địa phương phía Nam; cử 1.163 cán bộ y tế tăng cường cho các địa phương có diễn biến dịch phức tạp; thiết lập, vận hành Bệnh viện dã chiến của Bộ Công an điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bắc Giang và TP Hồ Chí Minh; kiện toàn hệ thống cơ sở y tế phục vụ phòng, chống dịch với tổng quy mô 4.350 giường, sẵn sàng thiết lập mới cơ sở cách ly tập trung trong điều kiện dịch lan rộng.

Trong đợt dịch thứ 4, Bộ Công an đã xây dựng hơn 150 báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước về nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Công an các đơn vị, địa phương đã tham mưu hiệu quả cho Đảng ủy, chính quyền địa phương ban hành nhiều chính sách về phòng, chống dịch, đảm bảo an ninh, trật tự, an dân, an sinh; đặc biệt là tại các tỉnh có dịch diễn biến phức tạp. Nhiều đề xuất về chính sách của Công an đơn vị, địa phương đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch.

Trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường nắm, kiểm soát tốt tình hình trên không gian mạng; xử phạt hành chính trên 150 đối tượng đăng tải tin giả, sai sự thật; ngăn chặn, yêu cầu gỡ bỏ 10.944 tin, bài viết, video chứa thông tin xấu độc. Bên cạnh đó, trong 9 tháng năm 2021, lực lượng Công an nhân dân đã tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh, hàng giả, hàng kém chất lượng; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp liên quan các mặt hàng thiết yếu, y tế, lương thực, thực phẩm, gây bất ổn thị trường, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...; triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, tụ điểm ma túy phức tạp; điều tra, làm rõ 26.587 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bắt 56.2 đối tượng; triệt phá 1.225 băng, nhóm tội phạm.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch và đời sống nhân dân; kiểm soát phương tiện vận tải có mã nhận diện “luồng xanh” qua các chốt kiểm soát dịch; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi lợi dụng việc cấp giấy nhận diện QR code cho các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu để vi phạm. Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai hơn 29.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tại gần 15.000 tổ, chốt và khu vực phong tỏa, cách ly tập trung; kiểm soát người, phương tiện đi lại giữa các vùng dịch; xử phạt vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

Công an nhân dân cũng là một trong số các lực lượng tích cực trong công tác đảm bảo an dân, an sinh xã hội. Theo đó, Công an các địa phương tổ chức nắm chắc 3 nhóm người theo từng diện hoàn cảnh, để tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền các chính sách an sinh phù hợp, có hướng tiếp cận hỗ trợ hiệu quả; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân ở các vùng dịch thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương về công tác phòng, chống dịch; hạn chế người dân di chuyển giữa các địa phương một cách tự phát; tổ chức công tác dân vận, hỗ trợ nhân dân bằng nhiều biện pháp thiết thực như giúp thu hoạch, tiêu thụ nông sản; vận động miễn, giảm tiền thuê trọ cho công nhân, người lao động; vận động, quyên góp, hỗ trợ đối với người gặp khó khăn do COVID-19.

Chú thích ảnh
 Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trao Bằng khen của Bộ trưởng Công an cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm gửi lời hỏi thăm, chia buồn sâu sắc tới thân nhân gia đình các cán bộ, chiến sỹ Công an đã hy sinh, tử vong và chia sẻ với các đồng chí bị thương, nhiễm bệnh, thiệt hại một phần sức khỏe trong cuộc chiến với dịch COVID-19. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là mất mát to lớn đối với gia đình, người thân và lực lượng Công an nhân dân; song sự mất mát đó càng thắp sáng niềm tin về tinh thần đồng lòng, quyết tâm cao độ, sự nỗ lực, ý chí lớn lao để chiến thắng đại dịch COVID-19. Bộ trưởng Tô Lâm cũng gửi lời cảm ơn đến thân nhân các cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân thời gian qua, đã là điểm tựa vững chắc để mỗi cán bộ, chiến sỹ toàn tâm, toàn ý cống hiến đóng góp cho cuộc chiến đấu với dịch bệnh.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều yêu cầu rất mới đối với công tác công an trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự và phòng, chống dịch. Thời gian tới, lực lượng Công an cần quán triệt 3 phương châm nhất quán gồm: Phòng, chống dịch COVID-19 là trọng tâm; bảo đảm an ninh, trật tự, giữ vững ổn định xã hội là trọng yếu, xuyên suốt; thực hiện an dân, an sinh xã hội, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội là thường xuyên, then chốt.

Chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các đơn vị chức năng Bộ Công an và Công an các địa phương tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa để tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19  trọng tâm là việc tổ chức thực hiện các mặt công tác công an trong điều kiện thích ứng an toàn, có kiểm soát với dịch COVID-19 theo tinh thần kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các buổi làm việc Ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng, chống dịch.

Công an các đơn vị, địa phương cần thường xuyên cập nhật tình hình, phân tích, tham mưu, đề xuất về tác động của dịch bệnh đối với kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục nắm chắc tình hình triển khai việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi lợi dụng chính sách để vi phạm pháp luật; chủ động, vô hiệu hóa kịp thời các âm mưu, hoạt động của các đối tượng phản động, chống đối, kích động; ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi tung tin giả, tuyên truyền sai sự thật; tổ chức tuyên truyền phản bác thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc về tình hình dịch bệnh.

Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý, thời gian tới, Giám đốc Công an các địa phương tiếp tục triển khai, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; quán triệt cán bộ, chiến sỹ không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, với tinh thần đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết; chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp đảm bảo ổn định xã hội, an ninh, trật tự, quan tâm chăm lo bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương...; có phương án tiếp đón, hỗ trợ người dân tránh, trú bão an toàn và tạo thuận lợi cho người dân tiếp tục di chuyển về quê khi thời tiết thuận lợi.

Xuân Tùng (TTXVN)
Bộ Công an tích hợp thẻ xanh COVID-19 trên căn cước công dân
Bộ Công an tích hợp thẻ xanh COVID-19 trên căn cước công dân

Hiện nay, thẻ căn cước công dân đang được tích hợp nhiều tiện ích hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, như: thông tin thẻ xanh COVID-19, tiêm chủng, giấy đi đường, thông tin xét nghiệm, giấy phép lái xe và nhiều tiện ích khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN