Sáng 10/4, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIII) thông qua ngày 22/3/2012.
Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật gồm 4 chương và 20 điều, quy định về việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan trong việc hợp nhất văn bản, trình tự, kỹ thuật hợp nhất văn bản nhằm góp phần bảo đảm cho hệ thống pháp luật đơn giản, rõ ràng, dễ sử dụng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Các văn bản hợp nhất theo quy định của Pháp lệnh giới hạn trong các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Nhà nước ở Trung ương ban hành, bao gồm: văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Việc hợp nhất văn bản nhằm góp phần bảo đảm cho hệ thống pháp luật đơn giản, rõ ràng, dễ sử dụng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Pháp lệnh quy định rõ về thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản liên tịch giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của các cơ quan khác của Nhà nước; xử lý sai sót trong văn bản hợp nhất; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc hợp nhất văn bản...
Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật hợp nhất văn bản; bồi dưỡng kỹ thuật hợp nhất văn bản; theo dõi, đôn đốc việc hợp nhất văn bản. Pháp lệnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2012.
Nguyễn Hồng Cường