Bộ Luật hình sự có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự xã hội. Chính vì ý nghĩa quan trong của nó, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến của nhân dân góp ý vào bản dự thảo Luật Hình sự sửa đổi lần này.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá, nhân dân đã tham gia toàn diện vào dự thảo Bộ Luật hình sự sửa đổi, trong đó tập trung vào 8 vấn đề trọng tâm mà chính phủ và Quốc hội lựa chọn để lấy ý kiến. Trong 8 vấn đề có 7 vấn đề nhận được sự đồng thuận cao và trong 7 vấn đề có 5 vấn đề có tỷ lệ nhất trí trên 75% như: Giới hạn lại phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người vị thành niên; vấn đề thay đổi tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng bằng việc cụ thể hóa trong những tội phạm cụ thể. Đặc biệt, dự thảo lần này đã bổ sung trách nhiệm hình sự pháp nhân được ủng hộ cao nhất, với trên 92%. Vấn đề bỏ hình phạt tử hình ở một số tội cũng nhận được sự đồng thuận cao, với trên 63%...
Bộ trưởng cho biết, việc đưa trách nhiệm hình sự pháp nhân vào Bộ Luật hình sự, bởi 3 lý do: Thứ nhất là, thực tế trong lĩnh vực kinh tế thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc không chỉ một làng, một xã mà cho nhiều huyện, tỉnh, nhưng chỉ xử lý ở mức hành chính hoặc bồi thường dân sự, nên không có tính răn đe, nghiêm khắc; hai là, Việt Nam đang ở bước ngoặt chuyển sang nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và việc hội nhập kinh tế đang diễn ra; ba là, để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn đúng pháp luật, đồng thời, cũng để xử lý thích đáng, bằng hình sự đối với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật và để không bỏ lọt tội phạm, đặc biệt là đối với tội phạm kinh tế, môi trường, bảo đảm an toàn và vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, rửa tiền...
“Việc đưa trách nhiệm hình sự pháp nhân vào Bộ Luật hình sự đã được chúng ta nghiên cứu từ lâu, trên cả thực tiễn và lý luận. Đây là một bước đi đúng và kịp thời trong bối cảnh hội nhập kinh tế của nước ta với các nước khác”, Bộ trưởng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng, Bộ Luật hình sự sửa đổi nếu được Quốc hội thông qua sẽ thể hiện sâu sắc hơn nữa quan điểm của Đảng là hướng thiện và nhân đạo hóa trách nhiệm hình sự, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên. Điều này thể hiện rõ là nếu như trước đây, trẻ em phải chịu tất cả về trách nhiệm hình sự, với trên 350 tội, nhưng lần sửa đổi này sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khoảng trên 20 tội nghiêm trọng.
Trong dự thảo lần này cũng đề nghị chuyển hướng xử lý trẻ vị thành niên, không nhất thiết phải xử phạt như người lớn như tù, cải tạo không giam giữ… bằng cách khiển trách hoặc giáo dục tại cộng đồng. Trong vấn đề phạt tù cũng sẽ thay thế bằng phạt tiền, hoặc cải tạo không giam giữ. Dự thảo lần này cũng dự định bỏ 7/22 tội tử hình và nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
“Trong dự thảo lần này có quy định cụ thể về tội tham nhũng và chạy chức vụ, trong đó, tham nhũng được coi như giặc nội xâm của đất nước cần xử lý nghiêm khắc hơn nữa. Đối với chức vụ, Bộ Luật hình sự sửa đổi xử lý dựa trên nguyên tắc: Người giữ chức vụ càng cao, quyền hạn càng lớn, thì càng bị xử phạt nặng. Nếu hai người phạm cùng tội, người có chức vụ thấp bị xử phạt nhẹ hơn so với người giữ chức vụ cao. Đối với tham nhũng cũng có nhiều quy định mới bổ sung tội tham nhũng, nhằm đầy đủ hơn. Đồng thời, xử lý tội này không chỉ trong khu vực nhà nước, mà cả ngoài nhà nước. Đặc biệt, Bộ luật sửa đổi cũng đưa ra vấn đề không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tức là, không quy định 5 năm, 10 năm mà là vô hạn. Nếu doanh nghiệp tổ chức đi hối lộ, tham nhũng, rửa tiền cũng bị xử lý trách nhiệm hình sự”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định.