Công điện 1372 của Thủ tướng Chính phủ ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung

Mưa lũ khu vực miền Trung đang diễn biến hết sức phức tạp, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đang nỗ lực chỉ đạo, hỗ trợ giúp đỡ nhân dân trong việc ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung. Theo báo cáo của các địa phương từ Quảng Bình đến Quảng Nam, đến 18 giờ ngày 9/10, tổng số hộ di dời (chủ yếu theo hình thức tại chỗ) là  8.024 hộ với 26.407 người (trong đó tỉnh Quảng Bình 266 hộ/901 người; Quảng Trị 4.604 hộ/15.691 người; Thừa Thiên - Huế 2.789 hộ/8.184 người; thành phố Đà Nẵng 203 hộ/1.015 người và Quảng Nam 162 hộ/616 người).

Chú thích ảnh
Tỉnh đoàn Quảng Trị hỗ trợ mì tôm và nước uống cho người dân ở xã Cam Tuyền. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Thực hiện nghiêm Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Trước tình hình diễn biến mưa lũ phức tạp, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 8/10 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung đối phó với mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

Các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tiếp tục tổ chức tìm kiếm người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch, hướng dẫn đảm bảo an toàn sử dụng điện; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó, đặc biệt đối với các khu vực thấp trũng đang bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; tiếp tục thực hiện cứu hộ, cứu nạn các thuyền viên trên các tàu Vietship bị nạn tại cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị; rà soát, đánh giá thiệt hại do mưa lũ và nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp.

Bên cạnh đó, các địa phương thuộc khu vực miền Trung cần bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực ngập sâu, chảy xiết; chỉ đạo, tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt, đồng thời chủ động xử lý mọi tình huống phát sinh trong quá trình vận hành hồ đập; tổ chức thực hiện nghiêm túc Công điện số 21/CĐ-TW ngày 9/10 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến mưa lũ, áp thấp nhiệt đới; hướng dẫn chính quyền cơ sở, người dân các biện pháp ứng phó hiệu quả trong thời gian tới; duy trì tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Chỉ đạo quyết liệt, kịp thời

Trước tình hình mưa lũ tại miền Trung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Văn bản số 7078/BNN-PCTT ngày 9/10 chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Sáng 9/10, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đã chủ trì cuộc họp chỉ đạo công tác ứng phó với tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

Bộ Giao thông vận tải có Công điện số 24/CĐ-BGTVT ngày 9/10 gửi các cơ quan đơn vị yêu cầu tập trung đối phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung.

Ngày 9/10, Cục Cứu hộ Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử đoàn công tác phối hợp với tỉnh Quảng Trị chỉ huy điều hành tìm kiếm cứu nạn tàu Vietship 01 tại Cửa Việt.

Ngày 9/10, hai Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tiếp tục kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống thiên tai tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Bình Định.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 21/CĐ-TW lúc 14 giờ ngày 9/10 gửi các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Thuận và Bộ, ngành liên quan để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.      

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chỉ đạo các công ty dịch vụ viễn thông nhắn tin đến các thuê bao trong vùng ảnh hưởng thiên tai; chủ động nắm bắt tình hình mưa lũ, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, đôn đốc các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện Công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 8/10 của Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương đã thực hiện nghiêm túc Công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 08/10 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với tình hình mưa lũ và áp thấp nhiệt đới.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế chủ động triển khai phương án di dời dân cư tại những khu vực thấp trũng ven sông, nhất là sông Bồ, Tả Trạch do ảnh hưởng của lũ lên nhanh, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

17 người chết, mất tích và bị thương với nhiều thiệt hại nghiêm trọng

Chú thích ảnh
Người dân huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) phải sử dụng ghe thuyền làm phương tiện di chuyển tiếp tế thực phẩm. Ảnh: TTXVN phát

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, tính đến 18 giờ ngày 9/10, mưa lũ đã khiến 5 người chết (Quảng Trị 2, Quảng Ngãi 1, Gia Lai 1, ĐăkLăk 1); 8 người mất tích (Quảng Trị 6, Thừa Thiên-Huế 1, Gia Lai 1); 4 người bị thương (Quảng Bình 1, Thừa Thiên-Huế 3); 33.6 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó 4 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn.

Cùng với đó, có 93 điểm tại các quốc lộ bị sạt lở (Quảng Bình 9 điểm, Thừa Thiên-Huế 16 điểm, Quảng Nam điểm); 19 điểm quốc lộ bị ngập (Quảng Bình 14 điểm ngập sâu từ 0,5 – 0,9m, Thừa Thiên-Huế 5 điểm ngập sâu 0,2 – 0,6m); có 2.200m tỉnh lộ bị sạt lở (Quảng Bình 50m, Quảng Trị 2.050m, Quảng Nam 95m, Quảng Ngãi 5m). Nhiều đoạn đường tỉnh lộ, huyện lộ bị ngập gây ách tắc giao thông chưa thể thống kê.

Tại tỉnh Quảng Trị có 6 tàu vận tải bị sự cố, 3 tàu bị chìm.    

Tàu Vietship TK 12 bị chìm gần khu vực phao số 0 Cửa Việt, Quảng Trị, trên tàu có 5 người, 3 người đã được tàu Vietship 01 cứu, đưa lên tàu, còn 2 người (Trương Công Hậu và Lê Quốc Cường) đang mất tích.

Tàu Thanh Thành Đạt 55 bị chìm tại phao số 0, Cửa Việt, Quảng Trị gồm 11 thuyền viên đã được đưa vào bờ an toàn.

Tàu Vietship 09 bị chìm ở vùng biển Quảng Trị, 4 người trên tàu đã bơi vào bờ an toàn.

Tàu Vietship 01 có 10 thuyền viên mắc cạn cách cảng Cửa Việt khoảng 1 km, 2 người đã bơi vào bờ an toàn, 8 người còn mắc kẹt trên tàu.

Tàu Hoàng Tuấn 26, gồm 12 thuyền viên, mắc cạn tại vùng biển Gio Linh, hiện vẫn giữ được liên lạc.

Tàu Thanh Thành Đạt , gồm 15 thuyền viên, hiện thả neo tại phao số 1, cách cảng Cửa Việt 1,5km.

Tỉnh Quảng Trị ghi nhận có 1 tàu hiện đang hư hỏng, trôi dạt, 2 tàu mắc cạn.

Tại vùng biển thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có 1 tàu cá số hiệu BĐ 97055TS (trên tàu có 11 thuyền viên) bị chìm lúc 00 giờ ngày 8/10, hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã cứu hộ an toàn cho các ngư dân.

Mưa lũ tại khu vực miền Trung đã làm 52ha lúa bị ngập (Quảng Trị 21ha, Quảng Nam 31ha); 1.957 ha hoa màu bị ngập (Hà Tĩnh 250 ha, Quảng Bình 514 ha, Quảng Trị 799 ha, Thừa Thiên - Huế 9 ha, Đà Nẵng 53 ha, Quảng Nam 20 ha, Quảng Ngãi 242 ha); 772ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (Quảng Trị 5 ha, Thừa Thiên- Huế 225 ha); 21.620 con gia súc bị cuốn trôi (Quảng Trị 21.610 con, Quảng Nam 10); 34.730 con gia cầm bị chết, cuốn trôi (Quảng Bình 100 con; Quảng Trị 33.800 con; Quảng Nam 830 con).

Ngoài ra có 30 điểm trường bị ngập (Quảng Nam); 9.060 m bờ biển bị sạt lở (Thừa Thiên-Huế 9.050m; Quảng Trị 10 m).

161 xã thuộc 2 huyện của 5 tỉnh, thành phố bị ngập

Chú thích ảnh
Tuyến đường nối từ xã Phúc Đồng đi xã Hà Linh, Điền Mỹ (Hà Tĩnh) bị ngập sâu. Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN

Tính đến hết ngày 9/10, tỉnh Hà Tĩnh có 2 xã thuộc huyện Hương Khê bị ngập 0,3m.

Tỉnh Quảng Bình có 28 xã thuộc 6 huyện (Minh Hóa 3 xã, Quảng Ninh 8 xã, Lệ Thủy 2 xã, Tuyên Hóa 4 xã, Ba Đồn 5 xã và Bố Trạch 6 xã) bị ngập sâu từ 0,30 – 1,00m, có nơi ngập sâu 3,0m.

Tỉnh Quảng Trị: Có xã thuộc 9 huyện (Hương Hóa 7 xã; Đắk Rông 2 xã; Cam Lộ 3 xã; thành phố Đông Hà 5 xã; Vĩnh Linh 4 xã; Gio Linh 8 xã; thị xã Quảng Trị 5 xã; Triệu Phong 18 xã và Hải Lăng 16 xã) ngập sâu 1,0 – 2,0m

Tỉnh Thừa Thiên-Huế có 51 xã, thuộc 5 huyện (Phong Điền 3 xã; thành phố Huế 8 phường; Phú Vang 3 xã; Quảng Điền 11 xã và Hương Trà 6 xã) bị ngập sâu 0,30 – 2,0m.

Thành phố Đà Nẵng có 12 xã, phường thuộc 7 quận, huyện (Hòa Vang 1 xã; Hải  Châu 1 phường; Thanh Khê 1 phường; Ngũ Hành Sơn 2 phường; Sơn Trà 1 phường; Liên Chiểu 2 phường và Cẩm Lệ 4 phường) ngập sâu 0,20 – 0,30m.

Tỉnh Quảng Nam có nhiều điểm bị ngập sâu.

Các hồ chứa thủy lợi đạt mức nước cao   

Khu vực Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ chứa, một số hồ chứa đang tích nước cao như: Hồ Bỉnh Công 101%, Đồng Chùa 101%, Bai Manh 127% (Thanh Hóa); Cửa Ông 108%, Cầu Cau 100%, Cao Cang 100% (Nghệ An);  Đá Cát 100%, Khe Con 102% Ma Leng  101% (Hà Tĩnh); Phú Dụng 101% (Quảng Trị); Hòa Mỹ 110%, Châu Sơn 100% (Thừa Thiên-Huế).

Hiện hồ Vực Mấu (tỉnh Nghệ An) đang xả 5 m3/s; hồ Tả Trạch (Thừa Thiên-Huế) xả 293 (m3/s).

Có 55 hồ chứa hư hỏng (Thanh Hóa 16, Nghệ An 10, Hà Tĩnh 8, Quảng Bình 12, Quảng Trị 6, Thừa Thiên-Huế 3); 41 hồ chứa đang thi công (Thanh Hóa 6 hồ; Nghệ An 14 hồ; Quảng Bình 9 hồ; Quảng Trị 12 hồ).

Khu vực Nam Trung Bộ có 517 hồ, trong đó có 24 hồ chứa hư hỏng cần lưu ý (Quảng Nam 5, Quảng Ngãi 5, Bình Định 7, Phú Yên 2, Bình Thuận 6); 31 hồ chứa đang thi công (Quảng Nam 7 hồ, Quảng Ngãi 10 hồ, Bình Định 10 hồ, Khánh Hòa 4 hồ).

Khu vực Tây Nguyên có 1.246 hồ chứa, các hồ đạt từ 60-91% dung tích thiết kế.  

Tại các tỉnh, thành phố hiện có 196 hồ chứa thủy điện cập nhật thông tin, lưu lượng về hồ thủy điện các khu vực: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên Hải miền Trung, mực nước các hồ đều tăng, các hồ vận hành bình thường, trong đó có 21 hồ chứa khu vực miền Trung và Tây Nguyên vận hành điều tiết qua tràn (Bắc Trung Bộ 6 hồ, Duyên hải Nam Trung Bộ 5 hồ, Tây Nguyên 9 hồ, Đông Nam Bộ 1 hồ).

Hiện các hồ Hòa Bình, Thác Bà đã đóng hoàn toàn các cửa xả.

Hồ Tuyên Quang đang mở 1 cửa xả mặt và 1 cửa xả đáy.

Thắng Trung (TTXVN)
Thừa Thiên - Huế: Điều tiết hồ thủy điện Bình Điền và hồ Tả Trạch để ứng phó với mưa lũ kéo dài
Thừa Thiên - Huế: Điều tiết hồ thủy điện Bình Điền và hồ Tả Trạch để ứng phó với mưa lũ kéo dài

Sáng 10/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu công ty cổ phần thủy điện Bình Điền và Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 vận hành điều tiết hồ Bình Điền và hồ Tả Trạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN