Công đoàn cần quan tâm, gắn bó hơn với người lao động

Trong 2 ngày 7- 8/7, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 10 (khóa XI) Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Ngày 8/7, phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai biểu dương những thành tích mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời đề nghị Công đoàn tiếp tục quan tâm, tìm hiểu và đánh giá sâu sắc những tâm tư nguyện vọng, tình cảm của người lao động; đánh giá những khó khăn thách thức không chỉ đối với người lao động mà còn đặt ra cho tổ chức công đoàn.

Đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ có những doanh nghiệp phát triển mạnh, trở thành tập đoàn lớn, mang thương hiệu quốc gia, nhưng cũng có doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động. Đó là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường, tác động rất lớn đến người lao động. Một bộ phận người lao động sẽ phấn đấu vươn lên cùng quá trình phát triển của doanh nghiệp, chiếm lĩnh vị trí quan trọng, có thu nhập cao, nhưng cũng có không ít lao động bị đào thải do không đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.

Đồng chí nêu rõ: Tất cả những vấn đề liên quan đến cuộc sống của người lao động đều cần được Công đoàn giải quyết với tư cách là một tổ chức đại diện hợp pháp. Do vậy, việc đánh giá sâu sắc khả năng phát triển cũng như những thách thức của thị trường lao động là cần thiết để nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn, gắn bó hơn nữa với đoàn viên và người lao động.

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, trong quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường, tranh chấp lao động sẽ ngày càng gia tăng, Bộ Luật tố tụng Dân sự đã cho phép Công đoàn 3 vị trí đại diện, đó là: đại diện làm đơn khởi kiện cho người lao động; đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động tại tòa; đại diện trong hội đồng xét xử. Vì vậy, tổ chức Công đoàn phải đứng ra đại diện cho người lao động để khởi kiện ra tòa khi có những tranh chấp nảy sinh giữa doanh nghiệp và người lao động.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao công đoàn đã triển khai 3 Nghị quyết mới của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) gồm: Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, mục tiêu được nêu ra rất rõ ràng là đến năm 2020, Việt Nam dự kiến có 1 triệu doanh nghiệp, và khoảng 60 triệu người lao động. Trong đó, lao động nông nghiệp sẽ giảm dần và số lao động trong khu vực chính thức tiếp tục tăng lên, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn sẽ ngày càng nặng nề và quan trọng hơn.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương yêu cầu tổ chức Công đoàn cần phải tiếp tục nỗ lực không ngừng để xứng đáng là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động. Đặc biệt, các cấp Công đoàn cần giải thích, tuyên truyền cho người lao động hiểu được thế nào là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề tiền lương phải được gắn với năng suất lao động để đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Trên có sở đó, Công đoàn cũng cần tham gia vào Hội đồng tiền lương Quốc gia để tư vấn cho Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng. Theo đồng chí Trương Thị Mai, tiền lương tối thiểu chỉ bảo vệ được cho lao động yếu thế, mức lương bình quân của người lao động tại doanh nghiệp mới là quan trọng mà tổ chức Công đoàn cần quan tâm.


Phân tích những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, đời sống của người lao động chính là tiền lương, điều kiện lao động và quan hệ lao động. Vì vậy, Công đoàn phải xây dựng thật tốt thỏa ước lao động tập thể để có điều kiện tốt hơn cho người lao động, tránh làm vì hình thức, thành tích...

Trong hai ngày làm việc, Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XI) đã thảo luận và thông qua các nội dung: Báo cáo kết quả hoạt động Công đoàn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017; Báo cáo hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn các cấp 6 tháng đầu năm, chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2017; Nghị quyết về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài Nhà nước; Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).

Hội nghị cũng quyết định các nội dung chuẩn bị cho Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII gồm: Đề án Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; Dự thảo (lần 2) Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn trình Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII; Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Kế hoạch phân bổ đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.

Đỗ Bình (TTXVN)
Hội nghị lần thứ 10 BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Hội nghị lần thứ 10 BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Ngày 7/7, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 10 (khóa XI) Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chính thức khai mạc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN