Quyết liệt giải quyết kiến nghị của người dân
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Đại biểu nêu rõ: Việc Quốc hội dành thời lượng nhất định để thảo luận chính thức nội dung này ở nghị trường từ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV là một việc rất đúng, rất hợp lòng dân. Điều này một nữa khẳng định Quốc hội không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, từng ý kiến, kiến nghị của cử tri được xem xét giải quyết một cách thấu đáo; đồng thời, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, trong việc thực hiện những kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, thì yếu tố quyết liệt của các cấp, các ngành, của người đứng đầu là yếu tố quyết định. Đại biểu dẫn chứng: Cử tri Bình Thuận rất vui mừng khi được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đầu tư xây dựng và đến nay đã chính thức đưa vào hoạt động đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và Phan Thiết - Vĩnh Hảo, góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng có một số bất cập, cử tri đã phản ánh, như đường gom dân sinh, đường hư hỏng do chuyển vật liệu xây dựng cao tốc. Những kiến nghị trên đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp và gửi đến Bộ Giao thông vận tải xem xét giải quyết. Đến nay, những kiến nghị trên đã được xem xét cơ bản giải quyết xong.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết, hiện nay Đoàn ĐBQH tỉnh nhận nhiều đơn của các Công ty liên quan đến vấn đề cho các cơ sở y tế mượn trang thiết bị y tế, sinh phẩm… để phòng chống dịch COVID-19 nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán, chưa được giải quyết. Vấn đề này cũng đã được đại biểu nêu tại Kỳ họp thứ 6 và Bộ trưởng Bộ Y tế hứa sẽ trình cấp có thẩm quyền có chính sách giải quyết. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Do đó, đại biểu bày tỏ mong Bộ Y tế sớm tham mưu cấp có thẩm quyền sớm ban hành văn bản giải quyết vấn đề trên.
Đồng thời, Bộ Y tế quan tâm đưa nội dung tính lãi cho các doanh nghiệp từ khi mượn hàng hóa, trang thiết bị cho đến nay và cơ chế tài chính cho các địa phương, các cơ sở y tế bị khởi kiện. Nếu được như vậy, doanh nghiệp thấy được Nhà nước, Chính phủ quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp có lý có tình và các địa phương, các cơ sở y tế cũng dễ triển khai thực hiện, đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu rõ.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) nêu rõ, cử tri đánh giá cao việc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương... đã quan tâm xem xét, giải quyết 2.210/2.216 (đạt gần 100%) kiến nghị của cử tri. Điều này cho thấy Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đã chú trọng giải quyết kiến nghị của cử tri, thể hiện tinh thần cầu thị, tích cực, chủ động khắc phục những hạn chế, đề ra những biện pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành.
Việc nghiên cứu tiếp thu, giải quyết kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân trong cả nước.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Báo cáo số 832 của UBTVQH cũng thẳng thắn chỉ ra 5 hạn chế. Đại biểu Thạch Phước Bình bày tỏ đồng tình với các hạn chế và các kiến nghị của Quốc hội.
Từ thực tiễn tham gia công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, có thể thấy rằng, vẫn còn một số tồn tại chưa được chỉ ra như một số cơ quan của Quốc hội còn chưa quan tâm đúng mức, chưa tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của cử tri trong việc thẩm tra, đánh giá tác động của một số dự án luật, chưa khai thác hiệu quả các ý kiến, ý nghĩa của cử tri, chưa lấy đó làm cơ sở, làm căn cứ thực tiễn để xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Việc tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho các dự án luật đôi khi còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả.
Trong quá trình giám sát, việc đánh giá kết quả tổ chức thi hành luật, pháp lệnh của các cơ quan có thẩm quyền nhiều khi còn chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu chịu sự giám sát; việc theo dõi, đôn đốc, giám sát công tác tổ chức thực hiện các kết luận giám sát, nghị quyết của Quốc hội về giám sát còn chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả giám sát chưa cao…
Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Quốc hội, UBTVQH tiếp tục hoàn thiện phương thức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Đồng thời, đại biểu đề nghị nên bổ sung quy định về hình thức để Quốc hội, UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thông qua phản hồi của cử tri về kết quả giải quyết đó, tức là quy định cụ thể về việc lấy ý kiến của cử tri về những vấn đề mà họ kiến nghị có được cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, đầy đủ, đúng quy định pháp luật hay không.
Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về hậu giám sát đối với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri để kịp thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý những vấn đề mới phát sinh.
Giải pháp bồi thường tài sản trên đất trong hành lang an toàn cột tháp gió
Đại biểu Siu Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đã kiến nghị, đề nghị Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn hoặc ban hành đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các quy định cụ thể về bảo vệ an toàn công trình điện gió, và bồi thường đối với diện tích đất, tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang an toàn của cột tháp gió như xác định diện tích ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng, tính toán mức bồi thường hỗ trợ về đất, nhà cửa, cây trồng, chuồng trại, gia súc để làm cơ sở triển khai thực hiện góp phần ổn định an ninh trật tự các địa phương có dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Tuy nhiên theo bà Hương, đến nay qua các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản hướng dẫn về việc hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn tháp gió của nhà máy điện... chưa được ban hành.
Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, về việc đền bù, hỗ trợ trong phạm vi 300m từ công trình điện gió, hiện nay chưa có quy định cụ thể trong pháp luật về hành lang an toàn điện gió được xem xét đền bù theo pháp luật về đất đai. Những công trình nằm trong phạm vi cột điện gió thuộc đối tượng thỏa thuận với chủ đầu tư.
Hơn nữa, khái niệm “khu dân cư” được quy định tại Nghị định số 14 năm 2014 đến nay cũng đã bị bãi bỏ và thay thế bởi Nghị định 51, nên chưa thật rõ khái niệm về khu dân cư cũng như các công trình kiến trúc trong khu vực này. Ngoài ra, trong quá trình triển khai các dự án điện gió, chủ đầu tư và các bên liên quan chưa quan tâm và chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành…
Về hướng giải quyết những vấn đề đang tồn tại, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp như sau: Thực hiện thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản chỉ đạo số 2824 ngày 24 tháng 4 năm 2023, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu bổ sung trường hợp bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có quy định hành lang bảo vệ an toàn ngoài các công trình công cộng, quốc phòng an ninh đã được quy định trong Luật Đất đai hiện hành.
Trong khi chờ sửa đổi bổ sung luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu trình Chính phủ hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ đất, tài sản trên đất nằm trên khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của nhà máy điện gió. Như vậy, Bộ Công thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giải quyết vấn đề này.
Về hướng dẫn bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản nằm trong hành lang an toàn cột tháp gió của các công trình điện gió, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nội dung này đã quy định rõ tại Điều 106 của Luật Đất đai 2004, và trong Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành trong thời gian tới. Bộ TNMT đã dự thảo và trình Chính phủ Nghị định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Bộ trưởng nêu rõ, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành và Nghị định được ban hành thì trong đó sẽ được quy định rõ việc hướng dẫn bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió.
Chưa thoả mãn với câu trả lời của 2 Bộ trưởng, Đại biểu Siu Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai tiếp tục nêu ý kiến, trả lời kiến nghị của cử tri về bảo vệ an toàn công trình điện gió và bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích và tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang an toàn cột tháp gió, Bộ trưởng Bộ Công Thương mới chỉ đề cập tới việc bồi thường về đất, chưa đề cập tới bồi thường tài sản trên đất. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ tham mưu Chính phủ có giải pháp như thế nào để trả lời cử tri tỉnh Gia Lai.