Đây là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp gỡ 90 công nhân của các địa phương và 16 ngành kinh tế kỹ thuật cao của đất nước tại TP Hồ Chí Minh ngày 5/5.
Tham dự chương trình Thủ tướng gặp gỡ công nhân lao động kỹ thuật cao năm 2019 còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và đại diện các Bộ, ban ngành, địa phương.
Ngoại ngữ là điều kiện để tăng thu nhập
Với chủ đề “Công nhân kỹ thuật cao là một trong những động lực phát triển đất nước”, Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành, địa phương cùng công nhân, lao động kỹ thuật cao đã cùng nhau trao đổi các nhóm vấn đề chính như: Nhóm vấn đề về thuế thu nhập cá nhân đối với ngành đặc thù như: thợ mỏ ngành than, thuyền viên ngành hàng hải và công nhân, lao động kỹ thuật cao ngành dầu khí; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của thuyền viên ngành hàng hải, của công nhân mỏ ngành than; nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân, lao động kỹ thuật cao; chính sách đào tạo công nhân, lao động kỹ thuật cao…
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE, cho rằng trong môi trường hội nhập, công nhân, nhất là công nhân kỹ thuật cao nên trau dồi ngoại ngữ, công nghệ. Đặc biệt là công nghệ thông tin để có thể học hỏi và giao tiếp với chuyên gia nước ngoài, bởi các kỹ thuật cao đều học hỏi từ các chuyên gia nước ngoài. “Một khi công nhân thiếu kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ thì không thể tạo ra năng suất cao, kỹ thuật cao và thu nhập cao tại các doanh nghiệp. Trong khâu tuyển dụng, khi doanh nghiệp đến các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để tuyển lao động nhưng đều phải đào tạo lại bởi những người được tuyển dụng rất ngỡ ngàng trước thực tế công việc được yêu cầu. Những người giỏi cần đào tạo 1 năm, những người kém hơn cần 2 năm để đào tạo lại thì mới bắt tay vào làm việc. Nguyên nhân xuất phát từ tâm lý người Việt Nam thường chuộng bằng cấp, thích con em có bằng đại học”, bà Nguyễn Thị Mai Thanh cho biết.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh đề xuất: “Đào tạo phải có hướng nghiệp rõ ràng cho học sinh, sinh viên trong tương lai chứ không nên chú trọng vào đào tạo nhiều bằng cấp nhưng ra trường không làm được việc. Đối với các tổ chức Công đoàn, nên tổ chức những trường đào tạo nghề, đào tạo lại và doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ các trang, thiết bị để đào tạo nghề... sao cho công nhân được đào tạo kiến thức, tay nghề nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu ngay sau khi ra trường”.
Theo anh Nguyễn Xuân Quang, Xí nghiệp Vật lý giếng khoan (VSP - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam), hiện nay có tình trạng sinh viên các trường đại học, cao đẳng mới ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, do việc đào tạo trong trường nặng về lý thuyết, thiếu thực hành. Theo anh Nguyễn Xuân Quang, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo đổi mới nội dung và phương thức đào tạo công nhân lao động kỹ thuật cao nói riêng và đào tạo nghề hiện nay đảm bảo đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động cạnh tranh hiện nay.
Công đoàn là mái nhà của công nhân
Đánh giá cao công tác đào tạo hiện nay, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận điểm yếu trong công tác đào tạo nghề là hiện vẫn có nhiều trường chỉ dạy cái gì đang có chứ chưa chú trọng đến yếu tố kỹ thuật, yêu cầu của doanh nghiệp, trong đó có nguyên nhân yếu tố dự báo còn xa với thực tế.
Tương tự, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thừa nhận: Thay đổi tình trạng “nặng lý thuyết, nhẹ thực hành” là vấn đề lớn. Để cải thiện vấn đề cố hữu trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các Bộ, ngành khác đang có nhiều thay đổi, sao cho việc đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn, ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội, sự phát triển của khoa học công nghệ; từ đó khắc phục tình trạng các trường “có gì đào tạo đó” hoặc “tiện đâu đào tạo đó” mà không gắn với thực tế. “Để người lao động cạnh tranh với lao động quốc tế, Bộ đã nhập 34 bộ giáo trình quốc tế cùng với 9 quốc gia khác tham gia liên thông công nhận bằng cấp. Sau đào tạo, học viên học nghề sẽ được công nhận để làm việc trong nước và quốc tế. Hiện nay, đã có trên 3.000 sinh viên và người lao động đang theo học”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Lắng nghe ý kiến của công nhân, doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ, chia sẻ khó khăn mà người lao động và doanh nghiệp đang gặp phải. Theo Thủ tướng, Việt Nam đang thiếu hụt đội ngũ công nhân kỹ thuật cao một cách nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng nên năng suất lao động còn thấp. Trong khi đó, đội ngũ công nhân kỹ thuật cao là tài nguyên, tài sản, vốn quý của quốc gia; phát triển đất nước không chỉ về vốn và lao động giá rẻ mà cần lao động có trình độ kỹ thuật cao.
“Hiện nay, việc phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của đất nước. Theo đó, chúng ta cần làm sao để lao động kỹ thuật cao nhiều hơn về số lượng và tốt hơn về chất lượng để đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Trong đó, chúng ta cần hoàn thiện các chính sách như: Lương phải đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động, môi trường học tập phải an toàn, các cơ sở vật chất cho con em công nhân, xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống công nhân… Riêng đối với các cấp công đoàn, cần phát huy vai trò kết nối, gắn kết công nhân với nhau; cần quan tâm đến công nhân cả vật chất và tinh thần. Công nhân nước ta đa phần là xa quê, xa nhà vì vậy công đoàn cần làm sao để là ngôi nhà thứ hai, để động viên tinh thần, nơi chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của công nhân; làm sao để vận động công nhân chuyển đổi tay nghề sang kỹ thuật cao để tăng thu nhập cho công nhân... trong thời buổi kinh tế đang hội nhập mạnh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, công nhân lao động kỹ thuật cao, phải tự rèn luyện, nâng cao tay nghề với tinh thần “học nữa, học mãi”. Công nhân phải có khát vọng, hoài bão, nâng cao trình độ kỹ thuật và tác phong công nghiệp, kỹ thuật. Các cơ sở đào tạo phải nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Mluốn đào tạo gắn với thực tiễn cần sự tham gia đồng hành của doanh nghiệp, nhà nước, nhà đào tạo (nhà trường). Theo đó, doanh nghiệp có thể đặt hàng đối với các cơ sở đào tạo hoặc đầu tư, cho sử dụng các thiết bị công nghệ kỹ thuật cao để các trường đào tạo có cơ sở đào tạo thực tế. Đối với Chính phủ, Bộ, ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong thời buổi kinh tế hội nhập.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, những năm gần đây, đất nước phát triển nhanh về kinh tế, trong đó đội ngũ công nhân kỹ thuật cao tiếp thu nhanh các kiến thức khoa học công nghệ để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Để lao động kỹ thuật cao phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp và các Bộ, ngành phải có các chính sách kinh tế thực tế để doanh nghiệp đầu tư công nghệ, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực. Ví dụ như doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao phải được ưu đãi về thuế. “Chúng ta cần phải khơi dậy khát vọng doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ cạnh tranh trên sân nhà mà cạnh tranh với quốc tế. Người lao động cần phải là tấm gương thể hiện tính tiên phong của giai cấp công nhân, đi đầu đổi mới và xây dựng văn hóa doanh nghiệp, quan trọng nhất vẫn chính là người lao động”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị.