Ngày 19/5, tại Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PARINDEX 2019) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ, các bộ, ban, ngành của Trung ương, trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm nay, công tác cải cách hành chính của thành phố Hà Nội tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Kết quả là Hà Nội đã duy trì được vị trí thứ hai khối tỉnh, thành phố về Chỉ số cải cách hành chính năm 2019.
Để có được kết quả này, Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ, các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của thành phố, nhiều chỉ tiêu hoàn thành sớm và về đích trước thời hạn được đề ra trong Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ.
Thành phố chủ động xây dựng xong hệ thống công cụ đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính thống nhất, đồng bộ trong toàn địa bàn. Thành phố cũng đã triển khai việc Giám đốc Sở đánh giá Trưởng phòng chuyên môn cấp huyện thuộc ngành dọc, Chủ tịch UBND cấp huyện đánh giá Trưởng phòng, Chủ tịch UBND cấp xã trực thuộc. Năm 2020, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Bộ Chỉ số đánh giá tính sáng tạo và năng lực điều hành của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội đã xây dựng và triển khai hệ thống theo dõi, kiểm đếm, đôn đốc các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố giao nhằm xác định rõ kết quả, tiến độ và trách nhiệm của từng sở, ngành; quận, huyện, thị xã. Song song với đó, Hà Nội đã và đang triển khai việc xây dựng lịch công tác tuần và đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức toàn thành phố; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoạt động công vụ, giao tiếp ứng xử với người dân, doanh nghiệp.
Nhấn mạnh về một số kết quả nổi bật trong cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết thêm: Thành phố hoàn thành xây dựng và công bố 1.717 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND quận, huyện, thị xã và UBND phường, xã, thị trấn. 100% quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính đã được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của UBND thành phố và niêm yết tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của đơn vị. 100% thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố được tiếp nhận tại Bộ phận tiếp nhận trả kết quả một cửa.
Đáng chú ý, thông qua việc thực hiện việc rà soát, thành phố đã đơn giản hóa 481 thủ tục hành chính với số chi phí tiết giảm thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân khoảng trên 91 tỷ đồng/năm; rút ngắn thời gian xử lý công việc, bảo đảm tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn. Riêng trong quý I/2020, tổng số hồ sơ giải quyết là 1,87 triệu hồ sơ, giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ trên 99,8%. Số lượng thủ tục hành chính được liên thông và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng mở rộng. Thành phố đã tích hợp ứng dụng biên lai điện tử, dịch vụ bưu chính công ích trên hệ thống.
Trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, tổng số hồ sơ dịch vụ công mức độ 4 đạt 23,6%. Việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến các cấp trên thành phố thực hiện tập trung tại Hệ thống một cửa điện tử thành phố dùng chung 3 cấp và các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung (lĩnh vực giáo dục, y tế). Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã kết nối 48 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; phấn đấu hết tháng 6/2020 sẽ đưa thêm 200 dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thành phố Hà Nội đang tiếp tục triển khai việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công tại một số tổ dân phố, mô hình khu dân cư điện tử, đồng thời bố trí công chức và cộng tác viên giới thiệu, hướng dẫn tư vấn miễn phí cho tổ chức và công dân về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đặc biệt, Hà Nội cũng thực hiện việc hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho học sinh khối trung học cơ sở, thông qua các em thực hiện tuyên truyền tới gia đình và cộng đồng dân cư, tạo tiền để xây dựng "công dân điện tử" và "thành phố thông minh";
Thành phố cũng chủ động xây dựng kế hoạch, tiến hành triển khai khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công tại tất cả 22 sở, ngành thành phố, 30 quận, huyện, thị xã với 16.000 phiếu; khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong cung cấp 4 lĩnh vực dân sinh cơ bản gồm: cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, giáo dục, y tế với 12.000 phiếu. Tất cả các quận, huyện, thị xã đều tiến hành các cuộc khảo sát độc lập để đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện và các xã, phường, thị trấn trực thuộc với tổng số hơn 28.000 phiếu.