Không để phát sinh “điểm nóng”
Chủ trì và phát biểu kết luận tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh, trong thời gian qua, công tác dân vận trong toàn hệ thống chính trị tiếp tục chuyển biến tích cực, có nhiều đổi mới góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đối ngoại, nâng cao đời sống của nhân dân.
Phát huy kết quả đạt được, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị, trong 6 tháng cuối năm, Ban Dân vận các cấp trực thuộc Trung ương tham mưu cấp ủy hoàn thành việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đề án của các Ban Chỉ đạo Trung ương trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong năm 2024; phối hợp xây dựng văn kiện và phục vụ Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Bên cạnh đó, Ban Dân vận các cấp tiếp tục tham mưu chỉ đạo, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác nắm tình hình nhân dân, đặc biệt ở địa bàn có vấn đề phát sinh phức tạp; quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029; Đại hội Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029...
Trưởng Ban Dân vận Trung ương yêu cầu Ban Dân vận các cấp chủ động nắm tình hình dân tộc, công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào theo tôn giáo; tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát các chính sách dân tộc, Chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc; kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy về chủ trương, giải pháp trong công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo...
Đồng thời, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới công tác vận động, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là mô hình được đông đảo nhân dân trực tiếp tham gia như phong trào: xây dựng nông thôn mới; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn; tổ chức kỷ niệm 94 năm và hướng tới 95 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng, Đại hội Thi đua yêu nước ngành Dân vận vào năm 2025.
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng cho biết, 6 tháng đầu năm, công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục đổi mới, chuyển biến tích cực. Các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, kịp thời thể chế hóa các văn bản của Trung ương và cấp ủy cấp trên phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị. Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước có nhiều đổi mới theo hướng “gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân”.
Công tác tiếp xúc, đối thoại giữa các cấp ủy, chính quyền với nhân dân được chú trọng, có nhiều cách làm mới, lắng nghe ý kiến người dân, giải quyết vấn đề nhân dân quan tâm. Công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ vi phạm thực hiện nghiêm, góp phần củng cố niềm tin và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.
Hệ thống dân vận các cấp đã chủ động, phối hợp tốt với chính quyền, các cơ quan, ban, ngành tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành, tham gia tích cực chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, sớm bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục được kiện toàn, củng cố, có nhiều nỗ lực trong công tác tham mưu, phối hợp hành động và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở thực hiện tốt vai trò đại diện, giám sát, phản biện xã hội; vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện chủ trương, nghị quyết quan trọng của Trung ương và cấp ủy các cấp, từng bước thực hiện tốt hơn hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào thi đua “Dân vận khéo”, hoạt động an sinh xã hội, xây dựng địa phương sạch, xanh, thân thiện môi trường… tạo sức lan tỏa tích cực trong đời sống xã hội.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc cụ thể hóa triển khai thực hiện một số chủ trương, nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác dân vận của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn chưa kịp thời, có biểu hiện “hình thức”, chưa sát thực với tình hình thực tiễn. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Việc tiếp công dân, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân có nơi còn hình thức, còn tình trạng “đùn đẩy trách nhiệm” trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Việc nắm tình hình nhân dân có lúc chưa sâu sát, thiếu kịp thời, nhất là tình hình trong các doanh nghiệp, người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp...
Tại Hội nghị, các ý kiến cơ bản nhất trí với đánh giá kết quả công tác dân vận 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024. Đại diện Ban Dân vận một số tỉnh ủy, thành ủy đã phân tích nhằm làm sâu sắc hơn những kết quả đạt được và đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của công tác dân vận trong thời gian tới; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai công tác dân vận tại cơ sở; huy động nhân dân tham gia phong trào thi đua yêu nước...