Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao cùng hơn 150 đại biểu là Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các đơn vị thuộc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Cục Lãnh sự.
Hội nghị tập trung đánh giá những kết quả đạt được, những việc chưa làm được kể từ Hội nghị Ngoại giao 29 đến nay và phương hướng công tác cho giai đoạn 2018-2020. Các Trưởng cơ quan đại diện đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế, chỉ ra những thách thức, khó khăn, các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân tại địa bàn. Trên cơ sở đó, Hội nghị đã thống nhất biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của các công tác này.
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân trong những năm qua được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Ngoại giao và sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cơ quan chức năng, các cơ quan đại diện, các công tác này đạt được nhiều chuyển biến rõ rệt, đem lại nhiều thành công, đột phá mới, làm cho người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó, hướng về quê hương và có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Kể từ Hội nghị Ngoại giao 29 đến nay, trên tinh thần ngoại giao phục vụ phát triển, công tác thu hút nguồn lực đã hòa cùng nhịp thở của thời đại, đặt trọng tâm vào những nhu cầu thúc bách, thiết thực của đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh những nguồn lực “truyền thống” với tổng lượng kiều hối 2 năm qua đạt hơn 25 tỷ USD, năm 2017 ghi nhận tổng vốn đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài vào thị trường trong nước đạt khoảng 4 tỷ USD. Đối với công tác thu hút nguồn lực kiều bào, thời gian qua, nhiều trí thức, doanh nhân đã được tập hợp, đóng góp vào các lĩnh vực như khởi nghiệp, blockchain, big data, chính phủ điện tử...; đồng thời hướng tới nhóm kiều bào trẻ, những người được đào tạo, năng động, sáng tạo, có nhiệt huyết với quê hương, đất nước. Với bước đột phá mới này, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài bước đầu tập hợp được lực lượng thanh niên, trí thức trẻ người Việt Nam ở nước ngoài hướng vào những nhiệm vụ phát triển cụ thể của đất nước.
Công tác bảo hộ công dân phát sinh nhiều vụ việc chưa từng có tiền lệ và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn trong tình hình mới. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã kịp thời đảm bảo quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức Việt Nam ở nước ngoài. Cụ thể, từ sau Hội nghị Ngoại giao 29, lực lượng chức năng đã bảo hộ hơn 16.000 công dân, trên 600 tàu với hơn 5.000 ngư dân bị phía nước ngoài bắt giữ hay gặp khó khăn ở nước ngoài, tăng 57% số công dân và giảm 10,7% số ngư dân so với từ sau Hội nghị Ngoại giao 28.
Phát biểu tại Hội nghị, hai Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam và Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao những thành tựu nêu trên, ghi nhận các ý kiến đóng góp sâu sắc của các Trưởng cơ quan đại diện, đưa ra một số lưu ý về phương hướng trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; các giải pháp thu hút mạnh mẽ hơn nữa mọi nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước, bảo đảm tính chính xác, kịp thời và hiệu quả trong công tác lãnh sự và bảo hộ công dân, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới có những biến đổi nhanh chóng và khó lường.
Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam đề nghị, thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa vai trò của các cơ quan đại diện trong việc tiếp tục “bám sát” cộng đồng, nắm bắt tâm tư tình cảm của bà con người Việt ở nước ngoài, từ đó có những đề xuất mới về phương pháp vận động, hỗ trợ cộng đồng củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại, nhưng vẫn duy trì được tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời thu hút, phát huy mạnh mẽ hơn nữa mọi nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước, đặt trọng tâm vận động vào nhóm kiều bào trẻ; đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin chính xác về các chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu đa dạng của bà con về thông tin; kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự và ngân sách làm công tác người Việt Nam ở nước ngoài từ Trung ương đến địa phương và cơ quan đại diện.
Đối với công tác bảo hộ công dân, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị, các đơn vị liên quan cần tích cực, chủ động, đảm bảo triển khai các công tác lãnh sự đúng quy định của pháp luật, tránh để xảy ra các khiếu nại tố cáo, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong bối cảnh yêu cầu của Chính phủ hiện nay. Cùng với đó, thúc đẩy hình thành các cơ chế liên ngành bền vững, phát huy các hình thức trao đổi thông tin nhanh và kịp thời với các đơn vị trong và ngoài Bộ Ngoại giao; đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước, tăng cường đối thoại song phương và đa phương, tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo hộ quyền và lợi ích của pháp nhân và công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, các đơn vị cũng cần chú trọng trao đổi, làm việc với các cơ quan tại nước sở tại, tập trung huy động các nguồn lực xã hội, các tổ chức quốc tế trong công tác bảo hộ công dân; tăng cường các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo phù hợp cho công dân khi đi ra nước ngoài, nhất là tuyên truyền Tổng đài Bảo hộ công dân, kịp thời cập nhật thông tin cần thiết cho công dân bằng nhiều hình thức như các trang thông tin điện tử, số đường dây nóng của cơ quan đại diện; tăng cường hiệu quả của Quỹ Bảo hộ công dân.