Từ nay đến cuối năm, trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục chỉ đạo, quản lý các cơ quan báo chí, truyền thông, tuyên truyền về các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử quan trọng 6 tháng cuối năm, bảo đảm kịp thời, đúng định hướng; tăng cường quản lý nhà nước về báo chí; rà soát tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí, xử lý quyết liệt các trường hợp cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích.
Bộ cũng triển khai kế hoạch về triển khai, sắp xếp lại các cơ quan báo chí; triển khai các đề án tuyên truyền; thanh tra một số cơ quan báo chí theo kế hoạch; giám sát, đánh giá chất lượng nội dung, hình thức hiệu quả tuyên truyền ấn phẩm báo, tạp chí cấp miễn phí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn...
Đồng thời, Bộ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các hoạt động đối nội, đối ngoại; phát hiện, xử lý các vi phạm bản quyền nội dung truyền hình, đặc biệt là trên môi trường mạng; hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nộp phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền theo quy định; đề xuất đo kiểm chất lượng dịch vụ truyền hình trả tiền tại một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ; bổ sung cụ thể, chi tiết hóa nhiều hành vi vi phạm trên môi trường mạng, đặc biệt là mạng xã hội trong quá trình xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm đưa ra được các quy định, chế tài, mức xử phạt hiệu quả và phù hợp hơn trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử...
Từ đầu năm đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, khơi dậy khát vọng về một Việt Nam hùng cường, hạn chế đăng các bài viết làm xói mòn sức mạnh, niềm tin của đất nước; thông tin, tuyên truyền toàn diện về các thành quả đạt được của Việt Nam trong năm 2018; tăng cường thông tin, tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền thực hiện đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn Châu Phi, đồng thời tuyên truyền để người dân không quay lưng với thịt lợn; thông tin đầy đủ về các vấn đề dân sinh; an toàn thực phẩm; an toàn giao thông; phòng, chống cháy, nổ; công tác chống sản xuất, buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép; phòng, chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Bộ cũng thực hiện nghiệm thu việc cung ứng dịch vụ phát thanh, truyền hình qua mạng Internet cho người Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục thực hiện rà soát, xử lý các trường hợp vi phạm bản quyền truyền hình trên môi trường Internet; tăng cường thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới; xử phạt các trang thông tin điện tử thông tin không đúng sự thật; nghiên cứu về tin giả (Fake news) và các phương thức xử lý các hành vi tung tin giả trên mạng xã hội.
Các hoạt động tiếp theo của Bộ là phối hợp Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế xây dựng phương án quản lý các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua kiểm soát thanh toán, thực thi chính sách thuế; có công văn yêu cầu các doanh nghiệp, nhãn hàng, thương hiệu ngừng quảng cáo trên các clip có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam trên Youtube; tiếp tục rà soát các trò chơi điện tử trực tuyến có dấu hiệu đánh bạc...
Đến tháng 6/2019, cả nước có 844 cơ quan báo, tạp chí in; 24 báo, tạp chí điện tử độc lập; với 23.402 thẻ nhà báo đã được cấp; có 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương; có 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng; có 279 kênh chương trình phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép.
Cả nước hiện có 36 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; 1.575 trang thông tin điện tử đã được cấp phép. Ngoài ra, còn gần 1 triệu trang thông tin điện tử không phép có tên miền quốc tế, đặt máy chủ tại nước ngoài cung cấp tin tức vào Việt Nam; 455 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép...