Các đại biểu dự Hội thảo đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến công tác lý luận của Đảng trong thời kỳ đổi mới, những vấn đề đặt ra với công tác tuyên giáo trong tình hình mới cũng như thực tiễn công tác quản lý báo chí hiện nay.
Công tác tư tưởng, lý luận là "linh hồn sống" của hoạt động tuyên giáo
Nêu một số bài học và suy ngẫm đối với công tác lý luận của Đảng trong thời kỳ đổi mới, Nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương khẳng định: Thực tiễn hoạt động và kết quả đạt được của công tác tư tưởng lý luận trong mấy chục năm đổi mới cho thấy: “Công tác tư tưởng lý luận là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị và tinh thần của chế độ; khẳng định và nêu cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức. Công tác lý luận cũng thể hiện vai trò đi trước, mở đường cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc” (theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa X). Nhà báo Hà Đăng cho rằng, công tác tư tưởng, lý luận là "linh hồn sống" của hoạt động tuyên giáo. Nhà báo Hà Đăng ví von: Công tác tuyên giáo mà không tạo dựng được gì cho lý luận cách mạng thì khác nào một cây to rợp bóng mà cạn kiệt nhựa sống, trước sau gì cũng sẽ khô héo.
Bàn về một số thành tựu đáng ghi nhận trong 35 năm qua, Nhà báo Hà Đăng cho rằng, thành tựu nổi bật nhất của công tác lý luận được thể hiện rõ qua sự đóng góp vào xây dựng các Nghị quyết của 7 kỳ đại hội Đảng, từ Đại hội VI đến Đại hội XII và trước mắt là chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII. Công tác lý luận cũng được thể hiện trong các nghị quyết chuyên đề về công tác lý luận của Trung ương.
Theo Nhà báo Hà Đăng, có hai dấu ấn đặc biệt sâu sắc, thứ nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, tiếp tục được bổ sung và phát triển năm 2011. Cương lĩnh của Đảng không chỉ nêu rõ những đặc trưng cơ bản mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà còn nêu lên mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ và các phương hướng cơ bản để thực hiện mục tiêu đó. Dấu ấn thứ hai, theo Nhà báo Hà Đăng, qua tổng kết thực tiễn của cách mạng Việt Nam kể từ ngày thành lập Đảng năm 1930 cho đến khi độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã trở thành hiện thực trên đất nước ta, Đảng đã có sự khẳng định thấm đậm chân lý sâu sắc là: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam.
Đảng ta ghi rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta. Việc khẳng định lấy chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động là bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta” (Văn kiện Đại hội IX năm 2001).
Không phải ngẫu nhiên khi tổng kết 20 năm, 30 năm Đổi mới, cùng với việc khẳng định, Đổi mới đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, Đảng ta chỉ rõ những thành tựu của công tác lý luận là: “Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng sáng tỏ hơn. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới đã hình thành trên những nét cơ bản”.
Về trách nhiệm lý luận của Ban Tuyên giáo trong thời kỳ mới, Nhà báo Hà Đăng cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác lý luận của Đảng cũng còn một số mặt hạn chế như: Công tác tổng kết thực tiễn nghiên cứu lý luận chưa thực sự được quan tâm đúng mức và thiếu đồng bộ. Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch còn thiếu sắc bén, tính lý luận chưa cao.
Đánh giá tình hình trong nước và thế giới đang diễn biến phức tạp, đan xen giữa cơ hội và thách thức, Nhà báo Hà Đăng cho rằng, điều này đòi hỏi Đảng ta phải có những quyết sách đúng đắn, kịp thời nắm bắt và phát huy cơ hội, tức là lấy thời cơ đẩy lùi thách thức để tạo nên một thế phát triển bền vững. “Lý luận về công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta không thể dừng lại ở những gì đã đạt được mặc dù cái đạt được là rất lớn. Chúng ta phải có tầm nhìn xa và vươn cao hơn nữa. Có thể nói là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, Nhà báo Hà Đăng nói.
Khẳng định công tác tư tưởng lý luận là công việc chung của Đảng, không phải là công việc riêng của Ban Tuyên giáo, tuy nhiên Nhà báo Hà Đăng cho rằng, với tư cách là cơ quan tham mưu của Trung ương về lĩnh vực đó, Ban Tuyên giáo Trung ương có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Trung ương những vấn đề mới có liên quan đến lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, những vấn đề thuộc về đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong chuẩn bị Đại hội XIII sắp tới. Để làm tròn nhiệm vụ đó, Ban Tuyên giáo Trung ương cần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ và xây dựng cho được một lực lượng cộng tác viên đông đảo, nhất là các chuyên gia có tầm cỡ về lý luận. Đây là công việc không dễ, không phải muốn làm là được ngay nhưng lại cần phải làm với quyết tâm cao, làm quyết liệt bởi đây chính là then chốt của nhiệm vụ then chốt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hiện đại hóa lý luận để thúc đẩy đổi mới
Tham luận tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, chuyên giao cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cũng nêu một số vấn đề đặt ra đối với công tác tuyên giáo hiện nay. Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo cho rằng, cần khắc phục tình trạng lạc hậu của lý luận, phát triển sáng tạo và hiện đại hóa lý luận với những đột phá lý luận để thúc đẩy đổi mới ở nước ta. Trong những vấn đề lý luận đó, ngoài lý luận về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội là vấn đề lớn nhất, cần phải tập trung làm sáng tỏ hơn nữa lý luận về Đảng Cộng sản cầm quyền. Với ngành tuyên giáo, đó là lý luận về công tác tuyên giáo để khoa học hóa tổ chức và hoạt động của ngành; đặc biệt là chú trọng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để làm rõ Đảng lãnh đạo công tác tuyên giáo như thế nào. Liên quan trực tiếp đến vấn đề này là dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, dân chủ cho sáng tạo và phát triển các tài năng, Đảng với trí thức và văn nghệ sỹ-những đối tượng đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp tuyên giáo của Đảng.
Đối với công tác xây dựng Đảng về đạo đức, về văn hóa, cần đẩy mạnh nghiên cứu tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh, tạo cơ sở khoa học nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là đòi hỏi vừa bức xúc, vừa cơ bản, lâu dài để phát triển ngành Hồ Chí Minh học ở nước ta, góp phần đào tạo chuyên gia và làm tốt công tác tư tưởng lý luận của Đảng, của xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Đồng thời, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo cũng đề cập đến việc cần thiết phải gấp rút đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, đội ngũ báo cao viên của ngành đáp ứng yêu cầu mới; đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kết hợp lãnh đạo định hướng tư tưởng và hình thành dư luận xã hội tích cực để hạn chế, khắc phục tiêu cực với quản lý nhà nước theo pháp luật trên những lĩnh vực hoạt động của đời sống tinh thần liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của ngành tuyên giáo, trong đó có quản lý báo chí, xuất bản, truyền thông.
Thực tiễn công tác báo chí hiện nay
Bàn về thực tiễn công tác quản lý báo chí hiện nay, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết: Trong những năm gần đây, số lượng cơ quan báo chí tăng rất nhanh do đơn vị nào cũng muốn có cơ quan báo chí riêng. Luật pháp quy định rất rõ cơ quan, đơn vị muốn thành lập cơ quan báo chí phải phải đảm bảo các điều kiện như tài chính, trụ sở. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, ở các tổ chức, nhất là các hội quần chúng, khi thành lập các cơ quan báo chí, các điều kiện vật chất gần như không đảm bảo được, dẫn đến việc các cơ quan báo chí này đi vào hoạt động phải tự chủ. Điều này dẫn đến việc các cơ quan báo chí chỉ còn cách tiết kiệm nguồn chi bằng việc sử dụng đội ngũ cộng tác viên chứ không tuyển phóng viên chính thức. “Qua kiểm tra thực tế, có một số cơ quan báo chí chỉ trả lương cho 3 đến 4 lãnh đạo còn chủ yếu là sử dụng cộng tác viên, dẫn đến việc phóng viên chỉ đi tìm những chủ đề có thể thu lợi, “câu view”, thu hút người đọc. Cộng tác viên ngồi nhà “xào xáo” tin bài, phóng viên không có nguồn kinh phí đi thực tế...”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nêu một số thực tế về báo chí hiện nay. Qua thực tế triển khai công việc quản lý báo chí, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhận xét: “Cơ quan chủ quản nào sâu sát với báo chí, khi bàn về việc triển khai quy hoạch rất nhanh, rất kịp thời, hiểu được vấn đề. Có những cơ quan chủ quản, khi được mời lên xử lý vi phạm của cơ quan báo chí mới biết cơ quan báo chí của mình sai chỗ nào”. Để xảy việc này, theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, công tác thực hiện, giám sát thực hiện về Luật Báo chí còn lỏng lẻo.
Về chính sách kinh tế đối với báo chí, theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, lâu nay, trong tư duy của cơ quan quản lý và chỉ đạo báo chí chỉ tập trung quản lý nội dung báo chí. Trong tình hình phát triển hiện nay, nhất là trong cơ chế thị trường, chính sách để cho báo chí tồn tại, hay nói cách khác là chính sách kinh tế dành cho báo chí chưa được quan tâm, chưa có chính sách cụ thể, đặc thù đối với cơ quan báo chí. Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan báo chí và từ thực tế quản lý, Bộ Thông tin Truyền thông đang xây dựng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ quan báo chí. “Một mặt, chúng ta nói rằng báo chí là công cụ tư tưởng của Đảng, là cơ quan tuyên truyền của Đảng và Nhà nước; mặt khác, trong thực tế các chính sách về thuế thì chúng ta ứng xử với cơ quan báo chí như doanh nghiệp. Do đó, cần xác định báo chí là một sản phẩm, dịch vụ đặc thù có liên quan đến công tác tư tưởng, văn hóa; phải có những chính sách ứng xử phù hợp với báo chí”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nói.
Cũng theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, trước đây, một số cơ quan báo chí hoạt động theo hướng cấp phát kinh phí. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu theo hướng đặt hàng các sản phẩm thông tin cho các đơn vị; tuy nhiên, việc đặt hàng cho báo chí có những đặc thù riêng liên quan định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá. Bộ Thông tin và Truyền thông xác định, báo chí là một công cụ tư tưởng của Đảng, một sản phẩm, dịch vụ mang tính chất đặc thù liên quan đến tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống, do đó cần có những chính sách kinh tế phù hợp với báo chí.