Video Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ với phóng viên báo Tin tức:
Thưa Bộ trưởng, thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán không còn nhiều. Trong khi hai năm qua, người nông dân cũng như ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19. Vậy, ngành Nông nghiệp sẽ có những giải pháp gì để từng bước phục hồi trong đại dịch, đạt chỉ tiêu đặt ra?
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã lên kế hoạch phục hồi phát triển nông nghiệp thích ứng với điều kiện bình thường mới. Trước tiên, ngành đưa ra giải pháp nhằm giảm thiểu thấp nhất đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản trong thời gian vừa qua.
Sở dĩ có sự đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản trong thời gian qua là do những quy định phòng chống dịch COVID-19 của các địa phương, mỗi nơi một kiểu, khiến hàng hoá ở địa phương bị ùn ứ cục bộ. Tình trạng này xuất phát từ việc công tác chỉ đạo phòng dịch giữa các địa phương chưa nhất quán, do số người từ vùng dịch di chuyển về địa phương tạo những điểm nóng F0, chuỗi cung ứng cũng vì thế bị gián đoạn, giá cả nông sản gặp nhiều khó khăn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương đang phối hợp để giải phóng được nông sản tồn kho thì mới tính toán được vụ mùa mới.
Quan điểm chỉ đạo chung là từng vùng kinh tế, vùng nông sản trọng điểm như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, Tây Nguyên đều có vai trò điều phối của tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng phối hợp với Bộ Công Thương, để làm sao giảm tới mức tốt nhất giá cả đầu tư đầu vào đã tăng trong thời gian qua. Việc tăng giá vật tư đầu vào tại Việt Nam có nguyên nhân từ sự tăng chung của thế giới hậu đại dịch COVID-19, trong khi vật tư đầu vào của nông nghiệp nước ta lệ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, tới 70 - 80%. Điều này cho thấy, tính tự chủ của nền nông nghiệp của Việt Nam chưa cao.
Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp, nhưng nhiều nguyên liệu phải nhập khẩu. Khi bị gián đoạn nguồn cung từ nước ngoài qua hệ thống vận chuyển dẫn đến khan hiếm nguồn hàng trong nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Công Thương sẽ kiểm soát và có những khuyến nghị, chính sách để Chính phủ kích hoạt nhà máy sản xuất vật tư đầu vào trong nước. Đẩy mạnh công suất, giảm lượng xuất khẩu, nhằm giữ lại nguyên liệu phục vụ cho mùa sau, giúp người nông dân phần nào.
Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo người nông dân chuyển qua sử dụng tiết kiệm vật tư đầu vào. Trên thực tế, có rất nhiều nhà khoa học trong nước khuyến cáo người nông dân đang sử dụng lượng nguyên liệu đầu vào cao hơn nhiều so với thực tế cần dùng. Đây là nhu cầu, thói quen của người nông dân. Nếu người nông dân làm đúng theo khuyến cáo thì sẽ giảm được 40% vật tư đầu vào. Điều này rất tốt trong bối cảnh giá cả đang cao và làm giảm áp lực về giá trong dịp Tết Nguyên đán đang tới gần.
Về tăng chuỗi cung ứng, ngành Nông nghiệp đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị với Bộ Y tế tăng cường lượng vaccine cho chuỗi ngành hàng nông nghiệp, bởi đây là chuỗi ngành hàng có mức độ phân bố rộng và phức tạp. Ví dụ, giống ở một nơi, nguyên liệu ở một nơi, thị trường ở một địa phương khác, vận chuyển nguyên liệu cũng là một vấn đề đặt ra khi chịu sức ép về mặt thời gian. Chưa kể, nếu có nơi phải đóng cửa vì dịch COVID-19, thì nguyên liệu và sản phẩm có nhưng không đến được người tiêu dùng. Nếu chỉ gãy một chuỗi thì khó hoàn thiện. Đây là vấn đề mà tới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo sát sao theo từng vùng miền.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, kịp thời có các giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 thì ngành Nông nghiệp sẽ có những lộ trình dài hơi như thế nào để chủ động trong chuỗi cung ứng, tiến tới nền nông nghiệp tự chủ?
Ngành sẽ đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Nghĩa là, trong nông nghiệp sẽ dùng chất thải nông nghiệp để làm nguyên liệu đầu vào, giảm lệ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Phế thải của ngành Nông nghiệp có thể trở thành chế phẩm sinh học, trở thành những vi sinh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang giao cho các Viện nghiên cứu phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện vấn đề này. Đã đến lúc không lệ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu, vì càng lệ thuộc thì càng rủi ro, đặc biệt những vấn đề tồn tại hậu COVID-19. Trong điều kiện bình thường mới chưa biết biến chủng Delta diễn biến thế nào, có thể một lúc nào đó tiếp tục đứt gãy chuỗi cung ứng thì ngành Nông nghiệp của chúng ta sẽ ra sao? Mặt khác, một trong những đặc điểm của các quốc gia khi phục hồi kinh tế là tự chủ, giảm lệ thuộc. Do đó, nền nông nghiệp sắp tới phải là nền nông nghiệp tự chủ về giống, nguyên liệu đầu vào, đa dạng hoá thị trường…
Việt Nam cần tiến tới xuất khẩu theo tiêu chuẩn từng loại thị trường, xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng nguồn cung ứng thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã.
Bên cạnh đó, nông nghiệp cần quay lại thị trường 100 triệu dân trong nước, để đảm bảo minh bạch, cung cấp thông tin đầy đủ từ đầu cung là vùng nguyên liệu tới đầu cầu là những doanh nghiệp thu mua, nhà phân phối nội địa.
Có một thực tế, khi lúa chín rộ trên đồng thì người nông dân mới loay hoay tìm nguồn mua. Khắc phục tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là nơi tổng hợp thông tin thị trường để đưa đến những đầu cầu là hệ thống bán lẻ, trung tâm thương mại… Ví dụ, việc thành lập Hiệp hội những nhà bán lẻ trong nước với ý nghĩa tầm nhìn 3 tháng nữa, thì những ngành hàng như sầu riêng Tây Nguyên, xoài Đồng Tháp… thu hoạch, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, có mã truy xuất nguồn gốc vùng trồng, vùng nuôi một cách minh bạch được xuất đi thì các thông tin phải khớp nhau. Đây cũng chính là khâu khó nhất trong thời gian vừa qua.
Thưa Bộ trưởng, người nông dân trong đại dịch bị ảnh hưởng nhiều và nặng nề nhất. Vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có tham mưu gì với Chính phủ, cùng với các địa phương trong việc thực hiện các chính sách an sinh?
Hiện nay, thị trường trong nước cũng có những đòi hỏi khắt khe. Ngành nông nghiệp muốn làm chính sách thì người nông dân phải thay đổi tư duy. Bà con cần phải dừng tư duy mùa vụ, thương vụ, cần quan tâm đến nguyên liệu đầu vào bằng cách tham gia các tổ chức mới giảm được chi phí. Nông dân thay đổi, chính quyền thay đổi thì ngành Nông nghiệp mới làm tròn được sứ mạng cung cấp và nắm bắt được thông tin.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!