Chỉ tiêu kiềm chế lạm phát cả năm khó thực hiện
Theo Tổng cục Thống kê, nếu loại trừ năm bất thường 2008, CPI tháng 3/2011 và CPI quý I/2011 đã lập kỷ lục về mức tăng cao nhất so với các tháng 3 và quý I cùng kỳ của 15 năm lại đây. Với mức tăng kỷ lục này, các chuyên gia cho rằng: Chỉ tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 7% đề ra sẽ không thực hiện được do dư địa cho 3 quý còn lại chỉ là 0,88%.
CPI tháng 3 tăng ở 11/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,02-6,69%.
Trong tháng 3, giá vàng trên thị trường tự do đã biến động mạnh với mức tăng 5% so với tháng 2, tăng 41,27% so với tháng 3/2010, đưa giá vàng quý I tăng 4,58% so với tháng 12/2010 và tăng 37,07% so với bình quân cùng kỳ 2010. Cùng nhịp với vàng, giá USD trên thị trường tự do đã tăng 3,06% so với tháng 2, tăng 12,05% so với tháng 3/2010; đưa giá USD quý I tăng 3,7% so với tháng 12/2010 và tăng 10,53% so với bình quân cùng kỳ 2010. |
Tăng đột biến là nhóm giao thông với mức tăng kỷ lục 6,69% do tác động trực tiếp của giá xăng dầu làm giá cước vận chuyển hàng hóa và hành khách đều tăng mạnh mẽ. Tiếp đến là các nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 3,67%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh thứ ba với mức tăng 1,98%; trong đó, lương thực tăng 2,18%, thực phẩm tăng 1,57% và ăn uống ngoài gia đình tăng 3,06%. Nhóm bưu chính viễn thông sau nhiều tháng giảm liên tiếp đã quay đầu tăng nhẹ với mức tăng thấp nhất là 0,02%.
Theo Vụ trưởng Vụ Giá, Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng, CPI tháng 3 tăng cao kỷ lục là do lực đẩy giá mạnh mẽ của nhiều hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, chiếm tỷ trọng khá lớn trong rổ hàng hóa chung như: Xăng dầu, xi măng, sắt thép, dịch vụ vận chuyển, thuốc chữa bệnh và sức “nóng” của nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ hàng hóa chung là lương thực, thực phẩm (chiếm ,93%).
Cụ thể, giá lúa gạo tại miền Bắc trong nửa đầu tháng 3 đã tăng khoảng 300-500 đồng/kg so với tháng 2/2011 do bước vào thời kỳ giáp hạt; còn giá lúa tại miền Nam đã tăng từ 150-500 đồng/kg do các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xxuân từ ngày 1/3 đến 15/4.
Cùng với lương thực, giá thực phẩm tươi sống, nhất là thịt lợn, thịt gà đã tăng cao hơn cả thời điểm trước Tết Nguyên đán do diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên đàn gia súc. Trong khi đó, ngay từ đầu tháng, các doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng LPG đã điều chỉnh giá bán lẻ trong nước tăng khoảng 9.000 - 13.000 đồng/bình 12 kg do giá nhập khẩu và chi phí vận chuyển đều tăng.
Còn Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính lại cho rằng: Tâm lý chưa thật ổn định sau nhiều xáo trộn đến từ việc điều chỉnh đồng loạt giá bán các nhiên liệu đầu vào quan trọng như xăng dầu, điện đã khiến giá cả nhiều loại hàng hóa dịch vụ ăn theo tăng mạnh. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô như quản lý thị trường vàng, ngoại tệ, tỷ giá USD/VND, lãi suất cho vay đã dẫn đến những biến động ở phía cung và cầu, cũng như có những tác động trực tiếp khiến nhiều nhóm hàng hóa thiết yếu mà Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tăng giá mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng: Giá cả hàng hóa dịch vụ trong các tháng tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do tâm lý tăng giá đón đầu như tăng lương, lãi suất vay vốn cao, dịch bệnh trên gia súc tiếp tục diễn biến phức tạp... Vì vậy, các cơ quan quản lý cần triển khai các giải pháp đồng bộ kiểm soát chặt thị trường, nhất là 8 nhóm hàng thiết yếu để hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tới đời sống người dân và nhất là bộ phận dân nghèo, đối tượng chính sách xã hội.
Nguyễn Kim Anh